Hội nghị Sơ kết hai năm đào tạo trình độ Đại học

Chiều ngày 20 tháng 9 năm 2018, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Sơ kết hai năm đào tạo trình độ Đại học. Dự Hội nghị có các Phó Hiệu trưởng Nhà trường: TS. Đỗ Hồng Cường, GS.TS. Đặng Văn Soa; lãnh đạo các đơn vị cùng toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường.

 

Báo cáo sơ kết tại Hội nghị, TS. Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, về tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, từ năm 2016 đến nay, Nhà trường đã tổ chức xây dựng được 31 chương trình đào tạo. Trong đó có 23 chương trình đã được đưa vào sử dụng, 08 chương trình đang được đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép đào tạo. Các chương trình đào tạo hầu hết đã được tổ chức soạn thảo theo đúng quy định, đáp ứng được quy định về khối lượng kiến thức, kĩ năng tối thiểu, quy định về đánh giá chương trình đào tạo. Thời lượng của mỗi chương trình khoảng 130 tín chỉ, được chia thành các khối nội dung: Đại cương, Cơ sở ngành, Chuyên ngành và Nghiệp vụ. Chương trình đào tạo nhìn chung cũng đã đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực nghề nghiệp tương ứng, thời lượng dành cho thực hành đã được tăng lên, nhiều ngành đào tạo đã có xu hướng giảm tổng thời lượng chương trình nhưng vẫn dành phần lớn thời lượng cho thực hành, thực tế (có ngành đạt tới gần 70% thời lượng nội dung chuyên ngành).

Về công tác tuyển sinh, mặc dù bối cảnh tuyển sinh chung của cả nước gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng công tác tuyển sinh Đại học của trường Đại học Thủ đô Hà Nội được thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng quy chế tuyển sinh. Trường đã được xã hội, truyền thông, báo chí ghi nhận là một hiện tượng, điểm sáng trong bối cảnh tuyển sinh đầy khó khăn. Năm học 2016 – 2017, Nhà trường có 398 sinh viên hệ Đại học. Năm học 2017 – 2018, có 1052 sinh viên hệ Đại học. Năm học 2018 – 2019, số sinh viên hệ Đại học đã tăng nhanh lên 1475 sinh viên.

Công tác tổ chức và quản lí đào tạo sau hai năm đã dần đi vào ổn định, theo đúng yêu cầu, bản chất của đào tạo theo học chế tín chỉ. Một số ngành đã đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (Công nghệ thông tin, Việt Nam học, Giáo dục Mầm non). Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học được đổi mới theo định hướng phát triển năng lực người học ở tất cả các ngành đào tạo.

Với chương trình đào tạo trình độ đại học, thời gian đào tạo được thiết kế tiêu chuẩn là 4 năm, 8 học kì chính. Tuy nhiên trên cơ sở kế hoạch đào tạo dự kiến, cố vấn học tập và sinh viên tự xác định kế hoạch kế học tập cho phù hợp với nhu cầu và năng lực cá nhân. Các hình thức học đuổi, học vượt, học bổ sung đã được triển khai một cách rộng rãi. Vì vậy người học đã có thể thực hiện được kế hoạch học tập đảm bảo quy chế, quyền lợi và đúng nhu cầu.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác đào tạo trình độ Đại học vẫn còn một số tồn tại: Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng hình thành năng lực nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của môn học, coi trọng vào “kết quả”, chưa chú trọng đến “quá trình”, dẫn tới khả năng tự học của sinh viên chưa được phát huy; đội ngũ giảng viên chuyên viên chuyên trách còn thiếu, làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn giảng dạy, giảng viên phải đảm nhận khối lượng giảng dạy lớn, giảng viên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường chưa theo kịp và phù hợp với việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học. Đặc biệt là cơ sở vật chất của các ngành đào tạo có tính thực hành cao, yêu cầu có những phòng học chuyên biệt như Du lịch, Khách sạn, Kinh doanh, Luật, … hầu như chưa được đầu tư kể từ khi trường còn là trường Cao đẳng.

Trên cơ sở phân tích những thành tựu và tồn tại, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đề ra phương hướng, giải pháp và kế hoạch cho những năm tiếp theo. Trong các năm 2018, 2019 Nhà trường sẽ tập trung vào việc bổ sung, hoàn thiện và tiếp tục kiến nghị với Bộ GD&ĐT để được phép đào tạo đối với những ngành đã và đang được lập hồ sơ mở ngành. Sớm xây dựng Đề án tuyển sinh 2019, đầu tư nhiều hơn về kinh phí, ý tưởng và nhân lực. Thực hiện chuyển phương thức tuyển sinh chung sang phương thức tuyển sinh riêng theo tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm, xây dựng kế hoạch để triển khai tổ chức thi đánh giá năng lực tại một số trường THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Trong năm học 2018 - 2019, Nhà trường sẽ tổ chức điều chỉnh18 ngành đào tạo còn lại theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận từ các khoa và các đơn vị chức năng để công tác đào tạo trình độ Đại học được phát triển và hoàn thiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác đào tạo các ngành Đại học từ năm 2016 đến nay, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức mà toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường gặp phải khi chuyển đổi từ một trường Cao đẳng lên trường Đại học. TS. Đỗ Hồng Cường cũng đề nghị, trong thời gian tới, toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh tiếp tục đồng hành, nỗ lực và vượt qua những thử thách để đưa trường Đại học Thủ đô Hà Nội trở thành trường Đại học đa ngành theo định hướng ứng dụng. Nhà trường sẽ tiếp tục công tác mở mã ngành, lựa chọn những mã ngành phù hợp với điều kiện phát triển của Nhà trường và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là về đội ngũ giảng viên vì đây là yếu tố quyết định tới định hướng chiến lược phát triển các ngành đào tạo, từ đó phát huy được chuyên môn, phát triển các ngành, hoàn thiện năng lực nghề nghiệp. Nhà trường sẽ có những cơ chế, chính sách trong việc đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, chương trình đào tạo được đẩy mạnh theo định hướng ứng dụng. TS. Đỗ Hồng Cường giao cho phòng Đào tạo sớm trình Dự thảo đề cương chi tiết chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Cải thiện, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong quá trình đào tạo, chú ý đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên nhằm giúp hình thành năng lực nghề nghiệp. Tiếp tục đổi mới phương án tuyển sinh để có được đội ngũ sinh viên đảm bảo chất lượng. Tăng cường phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động để đào tạo sinh viên ra có tính ứng dụng cao. Các tổ chức Đoàn, Hội, câu lạc bộ cần năng động, đổi mới hình thức hoạt động nhằm thu hút đông đảo sự tham gia của sinh viên và trang bị cho sinh viên các kĩ năng mềm và tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Với sự quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường bày tỏ tin tưởng Công tác đào tạo các mã ngành Đại học của Nhà trường sẽ sớm đi vào ổn định, phát triển và đạt được những kết quả tốt trong thời gian tiếp theo.



Tin khác