MỘT CHUYẾN ĐI NHIỀU Ý NGHĨA CỦA CHI HỘI SỬ HỌC – ĐH THỦ ĐÔ HÀ NỘI  

Đầu tháng 9, Chi hội Sử học cùng một số cán bộ giảng viên thuộc Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội do PGS.TS. Phạm Quốc Sử dẫn đầu đã mở màn năm học mới 2016-2017 bằng một chuyến đi thực sự có ý nghĩa.

Khởi hành từ Hà Nội, điểm đến đầu tiên của đoàn cán bộ giảng viên là Côn Sơn – Địa danh nổi tiếng Xứ Đông với chùa Phật, giếng Tiên và những dấu tích của một nhân vật vĩ đại – Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Trong những ngày chuẩn bị cho lễ hội mùa Thu năm 2016, đoàn được đồng chí Lê Duy Mạnh- Phó trưởng Ban quản lý khu di tích tiếp đón, giới thiệu cảnh quan tổng thể và giá trị lịch sử của khu di tích. Đặc biệt là đoàn được cập nhật những thông tin mới nhất về những dự án của tỉnh Hải Dương trong kế hoạch bảo tồn, mở rộng khu di tích và chương trình chi tiết của Lễ hội mùa thu 2016 diễn ra ngay sau đó.

Sử sách ghi chép đã nhiều nhưng chuyến đi thực tế thêm một lần bồi đắp cảm xúc lịch sử trong mỗi người. Gần 600 năm đã đi qua nhưng những dấu tích còn lại nơi này vẫn khiến hậu thế hình dung rõ nét những bước đi lịch sử, bởi trong gần một thế kỷ ấy, Côn Sơn gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân đất Việt, trong đó đặc biệt phải nhắc đến Nguyễn Trãi – Người đã lấy đất này làm chốn ẩn cư theo triết lý phương Đông, sau 10 gian khổ với vai trò quân sư cho Chủ tướng Lê Lợi đánh giặc Minh và hơn 10 năm khai mở triều đại Hậu Lê. Ở Côn Sơn, mỗi sự vật, mỗi di tích đều lấp lánh ánh sáng tinh thần của Nguyễn Trãi – Vầng Sao Khuê vằng vặc như lời ca tụng của Lê Thánh Tông, vị vua anh minh của Nhà Lê ở đời sau .

Điểm đến thứ hai của chuyến đi là Lệ Chi viên – Nơi tưởng nhớ học sĩ Nguyễn Thị Lộ, một trong hai nhân vật chính trong thảm án của dòng tộc Nguyễn Trãi. Địa danh này thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sử cũ chép sự kiện Vua Lê Thái Tông đến Chí Linh duyệt binh, trên đường trở về Thăng Long, nghỉ tại đây và mất vì bạo bệnh trong đêm 4 tháng 8 năm 1442. Sau cái chết của Lê Thái Tông là thảm án tru di 3 họ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cùng Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Trên mảnh đất vườn vải ấy trước kia chỉ có một miếu nhỏ là nơi dân làng đến thắp hương tưởng nhớ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho Lệ chi viên. Khi đoàn cán bộ giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội chúng tôi tìm đến, khu tưởng nhớ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đang trong quá trình hoàn thiện. Ấn tượng mạnh mẽ với những ai tới nơi này có lẽ là hình tượng Giọt Lệ nằm phía bên tay trái của khu đền thờ – Một biểu tượng cho nỗi đau oan khuất giữa trời xanh mây trắng.

Trong chuyến đi này, Chi hội Sử học nói riêng, cán bộ giảng viên khoa KHXH nói chung không chọn lộ trình quen thuộc gắn với những địa điểm vốn nổi tiếng của Hải Dương và Bắc Ninh. Chúng tôi tìm về những nơi ẩn mình lặng lẽ giữa thời gian, khiêm nhường lưu giữ thông tin quý giá về con người thực trong lịch sử dân tộc. Về với khu đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi thêm một lần trải nghiệm cảm giác đi ngược thời gian, để hình dung những con người được lưu lại trong lịch sử với số phận kỳ lạ. Lê Văn Thịnh đỗ đầu của khoa thi Minh kinh bác học thời Lý (1075). Với nhiều công trạng, đặc biệt là thầy dậy của vua Lý Nhân Tông, con đường quan lộ của ông đã lên đến tột đỉnh: Thái sư đầu triều. Nhưng đúng ở vào thời khắc đỉnh cao của sự nghiệp thì ông bị vu tội “hoá hổ giết vua” vào năm 1096 và phải đi đày ở Thao Giang (Phú Thọ ngày nay). Người đương thời và hậu thế đều đặt dấu hỏi về tính chân xác của vụ án trên…Tuy nhiên, vượt qua mọi nỗi nghi ngờ của nhân gian, đền thờ Thái sư vẫn còn đó. Gắn với đền thờ Thái sư là tượng rồng đá oan khiên được đặt trên nền nhà cũ của Thái sư thuở trước. Ngay cả việc người dân tìm thấy bức tượng rồng đá cũng là câu chuyện kỳ lạ khiến cho lãng khách thêm một lần muốn trở lại nơi này, để tìm hiểu kỹ hơn về vụ án kỳ bí bậc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

      

Điểm dừng cuối cùng của chuyến đi là khu đền thờ và lăng mộ vị vua thủy tổ người Việt là Kinh Dương Vương (Thuận Thành, Bắc Ninh). Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ lâu đã được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ Quốc tổ, hàng đại danh lam, mỗi lần Quốc lễ đều tiến hành tế lễ, nhân dân thờ phụng trang trọng. Trong lăng hiện còn bức hoành phi đề “Nam Bang Thủy Tổ“, tức là “Thủy tổ nước Nam“. Trước mặt khu lăng mộ là dòng sông Đuống (Thiên Đức) miên man trôi, dòng sông đã sinh ra làng tranh Đông Hồ nổi tiếng. Dưới rặng tre yên ả, trên bãi phù sa màu mỡ ven sông, khu lăng mộ vừa gợi ký ức xưa của một thời định cư quần tụ, gợi những cuộc chiến oanh liệt với giặc phương Bắc để giữ vững nền độc lập tự chủ của nước Nam ta.

Một ngày đi là quá ngắn để tìm hiểu những chứng tích cho quá khứ hào hùng của một dân tộc. Thế nhưng, với các cán bộ giảng viên tham gia chuyến hành trình này, đây là một ngày thực sự có ý nghĩa về mặt học thuật và tâm linh. Những gì có được sau một chuyến đi đó là sự vỡ lẽ về khái niệm “về nguồn”; là sự hình thành một cách tự nhiên tư duy so sánh giữa những gì có trong sử sách với những câu chuyện của đời thường, của dân gian xung quanh một nhân vật, một sự kiện lịch sử; là sự bình yên trong tâm tưởng khi có một cơ hội bày tỏ tấm lòng thành kính tưởng nhớ những con người vĩ đại trong lịch sử dân tộc, và cả những băn khoăn không dứt khi nghĩ về nỗi oan khiên thấu tận trời xanh của những con người được coi là: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” này.

Chúng tôi đã có một chuyến đi hào hứng như thế. Mỗi người đều đã chuẩn bị một tâm thế tốt nhất để bước vào năm học mới.

Tin bài: Thanh Huyền



Tin khác