Khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ cần “Hà Nội hóa và Quốc tế hóa”

Khoa trẻ, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức

Khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ là một Khoa mới hình thành cùng với việc nâng cấp Trường Cao đẳng  Sư phạm Hà nội lên thành Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát triển theo xu hướng đa ngành, định hướng ứng dụng. Tuy mới thành lập được một năm nhưng Khoa đã có sự phát triển đáng khích lệ. Chia sẻ những dấu mốc hình thành và plát triển, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương – Trưởng Khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ cho biết, Khoa được thành lập từ 8-1- 2016 với 7 cán bộ giảng viên ban đầu, sau đó dần phát triển lên 15 giảng viên. Giai đoạn đầu, Khoa tiếp tục đào tạo ngành Việt Nam học trình độ Cao đẳng, sau đó đến ngày 26 -6-2016, bằng sự nỗ lực của tập thể Khoa và sự quan tâm của BGH Nhà trường, Khoa đã được đào tạo ngành Việt Nam học theo định hướng Hướng dẫn du lịch.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương – Trưởng Khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ.

Trải qua những khó khăn của một Khoa trẻ, khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ đã ổn định địa điểm học tập và nơi làm việc tại cơ sở mới (số 6 – Phố Vĩnh Phúc – Quận Ba Đình, Hà Nội). Đội ngũ giảng viên trong Khoa đã cố gắng liên hệ với các cơ sở tuyển dụng nhân lực, các cơ quan quản lý văn hóa để sinh viên có cơ hội học tập và thực tập. Hiện nay đã có 13 cơ sở sẵn sàng đón nhận sinh viên của Khoa đến thực tập và cơ hội việc làm cho các em rất tốt.

Trong năm học đầu tiên với vai trò của Khoa mới, Khoa đã tuyển sinh được 1 lớp Việt nam học hệ Đại học, 1 lớp Việt nam học hệ Cao đẳng và 1 lớp Quản trị kinh doanh hệ Cao đẳng.

“Mang bản sắc Hà Nội và phải Quốc tế hoá”

Hiện nay Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là Trường Đại học duy nhất của Thành phố Hà Nội. Trong đề án thành lập trường, UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho trường ĐH Thủ đô Hà Nội phải có Khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Tuy nhiên, trong giai đoạn này Khoa còn đang rất khó khăn về việc mở mã ngành, xây dựng chương trình và cả hướng đào tạo làm sao để đáp ứng được với yêu cầu về nguồn nhân lực của Thủ đô.

Tại Hội thảo khoa học “Phát triển chương trình đào tạo trình độ Đại học ngành Quản trị dịch vụ du lịch – lữ hành và quản trị khách sạn – nhà hàng” tổ chức vào sáng 9/1/2017 tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội, các chuyên gia và các nhà khoa học đã thảo luận và tư vấn nhiều ý kiến giúp Khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ có hướng đi đúng đắn và phù hợp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu – Chuyên gia Dự án tăng cường kĩ năng nghề, BQL dự án dạy nghề vốn ODA – Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia, Khoa Khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ muốn phát triển tốt cần chú ý tới 3 nội dung: Các mã ngành đạo tạo phải phù hợp với xu thế nhu cầu thị trường lao động, khi đó sinh viên ra trường có thể tìm việc làm ngay; chú trọng đến chất lượng đội ngũ giảng viên vì đây là yếu tố sống còn; chương trình giảng dạy cần chi tiết, cụ thể và nghiên cứu kĩ lưỡng.

Tiến sĩ Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nhấn mạnh: Du lich là ngành có định hướng nghề nghiệp rất cao, khi xây dựng chương trình đào tạo cần định hướng rõ ràng là đào tạo nhân lực chất lượng cao hay nghề nghiệp ứng dụng. Bên cạnh đó, Khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ trường ĐH Thủ đô Hà Nội được thành lập trong bối cảnh thị trường lao động Hà Nội có nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, chính vì thế trong chương trình đào tạo cần nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ; xây dựng các môn học để sinh viên có thể linh hoạt chọn mã ngành và có cơ hội liên thông, lên cao; Tăng mối quan hệ với các hãng lữ hành, đơn vị du lịch để sinh viên có nhiều cơ hội thực tập chuyên ngành và làm việc.

PGS.TS Vũ Đức Minh – Vụ phó Vụ khoa giáo văn xã – Văn phòng Chính phủ.

PGS.TS Vũ Đức Minh – Vụ phó Vụ khoa giáo văn xã – Văn phòng Chính phủ khẳng định: Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ luôn xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đã có nhiều chỉ đạo để phát triển ngành kinh tế này. Đây chính là thời cơ tốt khi trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát triển Khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các trường khác và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải thay đổi cách thức đào tạo để “Hội nhập quốc tế, phù hợp với Việt nam, mang màu sắc Hà Nội”.

Làm thế nào để Khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ có “bản sắc riêng” theo PGS.TS Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng Nhà trường, quá trình hình thành và plát triển của Khoa phải xuất phát và bám theo định hướng phát triển của Nhà trường, nói một cách đơn giản là cần “Hà Nội hoá và quốc tế hoá”. Điều đó có nghĩa, lĩnh vực đào tạo của Khoa cần đạt trình độ quốc tế nhưng giải quyết năng lực trình độ, nhu cầu của sinh viên và thị trường lao động của thành phố Hà Nội.

PGS.TS Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng Nhà trường.

PGS.TS Bùi Văn Quân cũng định hướng, khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ của trường ĐH Thủ đô Hà Nội  sẽ đi theo hướng phát triển đào tạo nghề nghiệp ứng dụng, quan tâm đến việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Chú trọng đưa môi trường doanh nghiệp vào trong quá trình đào tạo, từ đó hướng tiếp cận đào tạo trở nên rõ ràng hơn. Cần làm nghiêm túc, quyết liệt từ khâu tuyển sinh, nhân sự giảng dạy, hướng tới giáo trình chung cho những môn học chung, đào tạo liên thông, tạo chương trình mềm dẻo, tiết kiệm trong quá trình đào tạo, tăng cường vai trò của Cố vấn học tập, tư vấn cho sinh viên có lựa chọn ngành học tốt, phù hợp.

Nhìn vào những kết quả trong một năm qua, có thể khẳng định khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ đã đi đúng mục tiêu, tạo được hiệu ứng tích cực và hình ảnh tốt. Trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được đồng thời xây dựng hình ảnh của Khoa trẻ trung, năng động, mang bản sắc riêng và phù hợp với yêu cầu của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Ngọc Hinh



Tin khác