Hội thảo: “Lấy ý kiến về Chuẩn đầu ra và Chương trình đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp”

Ngày 18/1/2018, thực hiện sự chỉ đạo của nhà trường, Khoa Văn hóa  – Du lịch – Dịch vụ đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về Chuẩn đầu ra và Chương trình đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp”. Dự Hội thảo, về phía khách mời có GS. Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hà Nội học và phát triển Thủ đô, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học; PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; TS. Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam; MC. Lê Anh, Giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS. Lê Thị Nhã, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… cùng các đơn vị tuyển dụng lao động như: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Bảo tàng Dân tộc học; đại diện các phòng văn hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Về phía trường Đại học Thủ đô Hà Nội có TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường;  đại diện các phòng, ban, các khoa đào tạo khác trong trường.

TS. Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam

Tại Hội thảo, Ban soạn thảo chương trình đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho Chuẩn đầu ra theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, hướng đến những vị trí việc làm để đào tạo sinh viên cả về phẩm chất, năng lực, các kĩ năng nghề nghiệp và đặc biệt là thái độ và đạo đức nghề nghiệp.

Đối với Chương trình đào tạo, theo ý kiến của các chuyên gia ngành Việt Nam học, hiện nay cả nước đang có nhiều trường đào tạo, đa số đều đào tạo theo hướng chuyên sâu về Du lịch. Để sinh viên có nhiều cơ hội việc làm thì ngành Việt Nam học của trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần phải xây dựng chương trình các môn học và kế hoạch đào tạo vừa mang tính đặc trưng, đặc thù của Hà Nội vừa phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Chương trình cần làm rõ khối kiến thức cơ bản trang bị cho sinh viên về đất nước, con người Việt Nam; khối kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, tập trung vào các lĩnh vực: Du lịch, Văn hóa và Truyền thông, Tổ chức sự kiện…

GS. Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hà Nội học và phát triển Thủ đô,

nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học

Theo GS. Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hà Nội học và phát triển Thủ đô, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học, Chương trình đào tạo nên có các học phần chuyên sâu về các di sản văn hóa của Hà Nội, tổ chức quản lý và phương án bảo tồn các giá trị văn hóa. Hà Nội là Thủ đô của cả nước và là nơi chiếm 1/3 tổng số di tích văn hóa – lịch sử, rất cần có nguồn nhân lực hiểu biết vấn đề này.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch

PGS.TS. Lê Anh Tuấn và MC. Lê Anh đều đồng quan điểm khi cho rằng chương trình đào tạo cần có sự “rẽ nhánh”. Giai đoạn đầu nên học các học phần chung, kiến thức cơ sở ngành. Giai đoạn hai cần “rẽ nhánh”, dạy các nghiệp vụ, kĩ năng để đào tạo chuyên sâu trên các lĩnh vực: Du lịch, Văn hóa; Truyền thông và một số học phần tự chọn khác.

MC. Lê Anh, Giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Tại Hội thảo, các nhà tuyển dụng cũng cho ý kiến về Chương trình đào tạo cần tăng thời lượng thực hành, thực tế cho sinh viên; nên cho sinh viên thực hành, thực tập từ năm thứ nhất. Bên cạnh đó, cần tăng thời lượng thực hành tiếng Anh và các ngoại ngữ tự chọn khác. Đây là cách thức hiệu quả giúp sinh viên nhanh chóng áp dụng kiến thức đã được học vào thực tế.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, gợi mở những hướng đi mới cho trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong việc tổ chức đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp ở tất cả các ngành học.

TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ, Trưởng ban soạn thảo chương trình Việt Nam học theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp trường Đại học Thủ đô Hà Nội trân trọng cảm ơn tới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà tuyển dụng và các cựu sinh viên đã góp ý cho Ban soạn thảo Chương trình. Khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn chỉnh Chương trình, áp dụng vào đào tạo ngay trong năm học 2018 – 2019.

Lê Thị Thu Hương – Khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ



Tin khác