Đổi mới hoạt động KHCN trường ĐH Thủ đô Hà Nội

TS. Phạm Ngọc Sơn – Trưởng phòng QLKHCN-HTPT

Nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển, phục vụ đắc lực hơn cho các hoạt động của Nhà trường, ngày 07/9/2017 Hội nghị “Đổi mới hoạt động KHCN trường ĐH Thủ đô Hà Nội” đã được tổ chức. Dự Hội nghị có GS.TS Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó trưởng Ban tổ chức; TS. Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng cùng các cán bộ, giảng viên trong toàn trường.

Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn KHCN với đào tạo và đời sống xã hội

GS.TS Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó trưởng Ban tổ chức khẳng định: Để đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay, phục vụ đắc lực hơn cho các hoạt động của Nhà trường, hoạt động KHCN phải luôn được đổi mới, được đầu tư cả về vật chất và cơ chế. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, để nghiên cứu khoa học phát triển cả về số lượng và chất lượng, gắn kết với thực tiễn giảng dạy là một trong những vấn đề mà Nhà trường quan tâm. Định hướng chính để phát triển công tác KHCN của trường ĐH Thủ đô Hà Nội trong những năm tới là: Đổi mới mạnh mẽ hoạt động KHCN, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với đào tạo và đời sống xã hội.

Thực hiện đồng thời nhiều giải pháp trọng tâm

Theo GS. Soa, Hội nghị “Đổi mới hoạt động KHCN trường ĐH Thủ đô Hà Nội” lần này nhằm bàn và tìm ra các giải pháp để thúc đẩy hoạt động KHCN trường phát triển đúng hướng và mang lại hiệu quả. Thời gian tới, hoạt động KHCN cần thực hiện một số nhiệm vụ chính: Mở rộng và thực hành dân chủ, tự do tư tưởng trong quản lí hoạt động khoa học bằng việc xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng. Tạo môi trường dân chủ, tăng cường thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và các tập thể khoa học trong nghiên cứu.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học, trọng tâm là cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các vấn đề về đăng kí, tuyển chọn, nghiệm thu, đánh giá đề tài khoa học theo hướng gắn với thực tiễn chuyên môn của các đơn vị đào tạo.

Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Với đặc thù của hoạt động khoa học: Phi lợi nhuận và có rủi ro, nên cần có đầu tư cho ý tưởng khoa học và cho rủi ro trong nghiên cứu khoa học để khuyến khích những nhà khoa học trẻ, giao những hướng mới, khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng rất có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đơn giản hóa phương thức thanh toán theo hướng khoán sản phẩm, có kiểm tra, giám sát. Trong điều kiện kinh phí còn eo hẹp, không thể đầu tư dàn trải, nên đầu tư có trọng điểm, nhất là đối với đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học. Có cơ chế thưởng, phạt, hỗ trợ trong nghiên cứu khoa học.

Mở rộng các loại hình nghiên cứu, các dạng hoạt động KHCN, theo hướng tăng cường phối kết hợp, giao lưu khoa học, cùng tham gia các hoạt động bên ngoài khuôn khổ Nhà trường như tham gia các đề tài NCKH trong và ngoài nước, các dự án phát triển, nghị định thư, hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước … đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa trong vấn đề tài chính phục vụ nghiên cứu, không chỉ phụ thuộc vào nguồn kinh phí của Nhà trường hay Thành phố trong các hoạt động nghiên cứu.

Hiện đại hoá cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong việc đầu tư cơ sở vật chất phải luôn gắn đầu tư cho đào tạo với đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có để phục vụ cho nghiên cứu.

Ngọc Hinh – Ngọc Vinh

 



Tin khác