Buổi thực tế chuyên ngành bổ ích và lí thú của sinh viên Sư phạm Văn

Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2015 – 2016, chiều ngày 24 tháng 5 năm 2016, sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn đã có buổi học tập thực tế chuyên ngành tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Tham gia buổi thực tế có ThS. Trần Thị Kim Chi, Phó trưởng Khoa Khoa học Xã hội, TS. Trịnh Ngọc Ánh, Trưởng Bộ môn Văn học, các giảng viên ngành Ngữ văn và sinh viên Sư phạm Ngữ văn khóa 2014, 2015.

Sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn đã được nghe các báo cáo chuyên môn của các giảng viên trong khoa Khoa học xã hội và báo cáo thực tế của báo cáo viên Chu Hòa – cán bộ của Bảo tàng Văn học Việt Nam về các khu trưng bày chính tại 3 tầng của Bảo tàng:

Tầng 1: Phòng Khánh tiết, khu trưng bày “Văn học Cổ – Trung đại Việt Nam (từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX), tổ hợp “Giáo dục – Thi cử – Khoa bảng trong thời kỳ phong kiến”, tổ hợp “Lịch sử chữ viết”.

Sinh viên SP Ngữ văn chăm chú lắng nghe và thích thú trước những cuốn sách cổ

Tầng 2: Trưng bày, giới thiệu “Các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh”, tổ hợp “Không gian văn hóa xóm chòi” (nơi Hội Văn nghệ Việt Nam đóng trụ sở làm việc trong kháng chiến chống Pháp).

Tìm hiểu tổ hợp “Không gian văn hóa xóm Chòi”

Tầng 3: Trưng bày, giới thiệu “Các nhà văn đoạt giải thưởng nhà nước”, “Các kỳ đại hội của Hội nhà văn Việt Nam”.

Say sưa ngắm nhìn những hiện vật của các nhà văn thời kháng chiến chống Mỹ

Ở 3 khu trưng bày chính, với sự dẫn dắt và giới thiệu của báo cáo viên Chu Hòa, cô trò ngành Sư phạm Ngữ văn đã vô cùng thích thú khi được tiếp xúc với hơn 3000 hiện vật, tư liệu trưng bày trong Bảo tàng. Đó là cuốn “Đại Nam Quốc âm tự vị” in năm 1895, cuốn “Dictionnaire élémentaire Annamite – Francais” (Từ điển Việt Pháp sơ cấp) của tác giả Le Grand de La Liraye in tại Paris năm 1874, là hai văn bản Truyện Kiều cổ và chiếc bàn mà Đại thi hào Nguyễn Du đã ngồi làm việc vào những năm cuối thế kỷ XIX, là viên gạch ở nhà tù Lao Bảo, nơi nhà thơ Tố Hữu từng bị giam cầm năm 1939 và tại đây ông đã viết 30 bài thơ trong phần “Xiềng xích” của tập thơ “Từ ấy”, là chiếc gậy ba toong mà Nguyễn Tuân đã từng sử dụng có khắc tên những vùng đất ông đã từng đi qua để viết nên những trang bút kí, tùy bút tuyệt vời, là chiếc chum gắn liền với câu chuyện về sự hi sinh của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân, là viên gạch khắc tên nhà văn Trần Đăng do các đồng đội của ông dùng lưỡi lê khắc lên để đánh dấu phần mộ của ông khi ông hi sinh ở Lạng Sơn, là những trang bản thảo viết tay của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam, … Cô trò ngành Sư phạm Ngữ văn còn được đắm chìm trong âm hưởng hào hùng của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, trong không gian sinh hoạt và sáng tác của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, trong khung cảnh học hành, lều chõng, trường thi của các sĩ tử xưa, trong tổ hợp về nhà văn Thu Bồn với phối cảnh ông địu đứa con trai bị nhiễm chất độc màu da cam trên chiếc balo khoét góc băng rừng Trường Sơn tập kết ra Bắc…

Trước tổ hợp lớp học thời phong kiến

Tại khu trưng bày không gian sinh hoạt văn hóa nông thôn, sinh viên như một lần được trở về những miền quê Việt Nam để trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày của những con người nơi đây. Sinh viên còn được tận mắt nhìn ngắm những hình ảnh quen thuộc từ lâu đã đi vào ca dao, dân ca Việt Nam như cây đa, giếng nước, sân đình, con trâu, cái cày, bễ lò rèn hay cối giã gạo bằng chân bên chái nhà tranh, …

Buổi học tập thực tế kết thúc tốt đẹp trong niềm phấn khởi không chỉ của cô trò ngành Sư phạm Ngữ văn mà còn cả của các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Văn học Việt Nam, bởi niềm say mê và tinh thần cầu thị của các sinh viên, các giáo viên Ngữ văn tương lai của Thủ đô. Những kiến thức và trải nghiệm văn học thu được qua buổi học thực tế sẽ được các em thể hiện đầy đủ trong bài báo cáo thu hoạch hứa hẹn đầy nhiệt huyết và chất lượng.

Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi thực tế:

Lương Hải Vân



Tin khác