Hội nghị Đối thoại giữa Ban Giám hiệu với sinh viên

 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến 

Để nhìn nhận, đánh giá các mặt trong hoạt động đào tạo, các thế mạnh cũng như tồn tại, từ đó khắc phục những hạn chế và phát huy hết các tiềm năng, nguồn lực của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, sáng ngày 3 tháng 01 năm 2020, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có buổi đối thoại với toàn thể sinh viên với tinh thần thẳng thắn và cởi mở.

Dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; các Phó Hiệu trưởng: TS. Nguyễn Văn Tuân, GS.TS. Đặng Văn Soa; lãnh đạo các đơn vị cùng đại diện sinh viên trong toàn trường. 

 PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường nhận định, năm 2021 là năm dịch bệnh Covid 19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Để thích ứng linh hoạt với tình hình mới, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi hình thức đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tuyến. Trong bối cảnh đó, nhiều khó khăn, thách thức đã đặt ra với thầy và trò Nhà trường. Để hoàn thành và vượt các kế hoạch mục tiêu đặt ra, thầy và trò cần đoàn kết, nỗ lực cố gắng dạy và học thật tốt, có những sự điều chỉnh thay đổi phù hợp, kịp thời để cùng nhau chia sẻ và góp sức xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển. Hội nghị Đối thoại với sinh viên chính là dịp để Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên cùng toàn thể các học sinh, sinh viên xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn, cùng lắng nghe và tìm ra các giải pháp tốt nhất cho công tác đào tạo.

Hiện Nhà trường đã nhận được hơn 100 câu hỏi đến từ sinh viên trong trường, phần lớn ý kiến đã tập trung vào các lĩnh vực: Đào tạo, liên kết đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, học bổng, điều kiện cơ sở vật chất và các hoạt động phong trào. Đặc biệt, lĩnh vực đào tạo và công tác học sinh sinh viên được nhiều sinh viên quan tâm và dành tới 45 câu hỏi. Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý Đào tạo và Công tác học sinh sinh viên đã trả lời các câu hỏi liên quan đến: Môn học ngoại ngữ, đơn giản hóa các thủ tục nhập học và đầu ra, chất lượng cổng thông tin đào tạo, học vượt, học kỳ phụ, cách hướng dẫn sinh viên làm khoá luận, bài tập lớn, tăng sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên cũng như sự kết nối, giao lưu giữa sinh viên các khoa. Nhiều sinh viên cũng đặt các câu hỏi liên quan đến hoạt động thực tập, giáo dục quốc phòng an ninh, thời điểm nhận học bổng, cơ hội du học, việc triển khai huy động sinh viên tham gia hoạt động ngoại khoá và tác phong, nề nếp của sinh viên khi đến trường.  

Cơ sở vật chất phục vụ học tập và sinh hoạt của sinh viên cũng được  quan tâm, đặc biệt là các vấn đề ở khu nhà ở ký túc xá, phòng vệ sinh công cộng, nhà ăn. Thời gian qua, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cũng liên tục được Nhà trường bổ sung và đầu tư nhằm tạo điều kiện tốt cho hoạt động giảng dạy hiện đại. Tuy vậy, việc sử dụng các trang thiết bị và cơ sở vật chất cần được chú ý và hợp lý hơn để tránh sự xuống cấp nhanh và gây lãng phí.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng QLĐT & CTHSSV 

Thầy Đào Trường Thành, Trưởng khoa Kinh tế - Đô Thị giải đáp câu hỏi sinh viên

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường đã giải đáp cụ thể, chi tiết những câu hỏi của sinh viên đồng thời có những chỉ đạo kịp thời với những vấn đề đặt ra trong Hội nghị. Qua đây, Ban Giám hiệu sẽ ghi nhận và xem xét các kiến nghị của các em sinh viên. Trong thời gian tới, các ngành đào tạo liên thông, liên kết và chứng chỉ sẽ được đổi mới đa dạng, phù hợp với nhu cầu của sinh viên và thị trường lao động. Các hoạt động phong trào đoàn thể sẽ tiếp tục được triển khai và hoạt động sôi nổi hơn. Cơ sở vật chất cũng sẽ được chú trọng, đầu tư. Đặc biệt Nhà trường sẽ chú trọng đào tạo kỹ năng “mềm” cho sinh viên nhằm cung cấp hành trang toàn diện cho các em khi rời khỏi ghế Nhà trường, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới môi trường giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập. 

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

 



Tin khác