Đẩy mạnh hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực Logistics

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ThS. Đào Trường Thành, Phó trưởng khoa khoa Kinh tế Đô thị đã giới thiệu những thông tin và hoạt động đào tạo của khoa. Khoa Kinh tế Đô thị được thành lập từ tổ Kinh tế trực thuộc khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ của trường Đại học Thủ đô Hà Nội từ 01/2017. Hiện khoa đang tuyển sinh 4 mã ngành đào tạo là Quản trị kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Luật, Quản lý công với 350 sinh viên và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để mở mã ngành Quản lý đô thị và công trình. Khoa có 3 trung tâm trực thuộc là Trung tâm tư vấn và thực hành nghề Luật, Trung tâm thực hành mô phỏng Logistics và Trung tâm Marketing. Trong đó, Trung tâm thực hành mô phỏng Logistics sẽ mô phỏng hệ thống quản lý vận tải TMS, hệ thống quản lý giao nhận quốc tế FMS, hệ thống quản lý kho hàng WMS, hệ thống quan hệ khách hàng CRM, hệ thống quản lý chuyển phát nhanh ECM. Khoa Kinh tế Đô thị tổ chức các hoạt động đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng dựa trên tự chủ nghề nghiệp của giảng viên. Điều này gắn người học với thực tế nghề nghiệp, giúp người học sau khi ra trường sẽ tiếp cận ngay và làm tốt công việc, có cơ hội phát triển nghề nghiệp, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, khoa Kinh tế đô thị của trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển, mang nét đặc trưng Logistics Đô thị. 

TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc

Chia sẻ về các hoạt động đào tạo Logistics tại Việt Nam, Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, ngành công nghiệp Logistis trên thế giới đã có quá trình phát triển lâu dài, riêng ở Việt Nam, ngành này mới phát triển mạnh từ năm 2005. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về chất lượng nhân lực Logistics cho thấy, 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về Logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ Logistics cần thêm 18.000 lao động, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên 1 triệu nhân sự có chuyên môn về logistics, hiện hàng ngàn doanh nghiệp đang rất lúng túng khi tìm kiếm lao động làm trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy nguồn nhân lực Logistics có chất lượng quá thấp. Trước thực trạng khan hiếm, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành trở nên cấp thiết. Trước thực trạng này, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27/1/2011 phê duyệt chiến lược phát triển tổng thể khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 và nêu rõ, cần coi Logistics là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa. Điều này cho thấy, việc phát triển ngành Logistics và nguồn nhân lực Logistics đã trở thành chương trình cấp quốc gia.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương

Bên cạnh đó,  đại diện các doanh nghiệp hoạt động Logistics và các trường đại học đào tạo ngành Logistics đã chia sẻ, thảo luận và đưa ra một số nhận định về ngành Logistics hiện nay. Theo đó, các sinh viên ra trường được đào tạo bài bản về lý thuyết ngành Logistics, nhưng khi đi làm, phần lớn sinh viên vẫn chưa đáp ứng ngay được yêu cầu công việc và phải đào tạo lại. Trình độ ngoại ngữ, chuyên môn và các kĩ năng mềm là các yếu tố cần định hướng trong quá trình đào tạo để nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Trước các vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc, TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã gửi lời cảm ơn tới các đơn vị tham dự buổi làm việc. TS. Đỗ Hồng Cường nhấn mạnh, buổi làm việc là cơ hội để kết nối nhà trường với các đơn vị quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực ngành Logistics gắn với xu thế và đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Hiện tại, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chuyển đổi toàn bộ chương trình đaò tạo theo hướng ứng dụng nghề nghiệp, trong đó có những chiến lược phát triển cho ngành Logistics. Trong thời gian tới, Nhà trường mong muốn tiếp tục có sự hợp tác sâu rộng giữa các đơn vị: Cơ sở đào tạo – Doanh nghiệp – Cơ quan quản lý Nhà nước nhằm trao đổi chuyên môn, chia sẻ cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện học tập, thực tập và làm việc cho giảng viên, sinh viên của trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần cầu thị, trường Đại học Thủ đô Hà Nội mong muốn sau buổi làm việc này sẽ có nhiều chương trình làm việc, ký kết và hợp tác với các bên để hoạt động đào tạo ngành Logistics của Nhà trường ngày càng phát triển.

Ngọc Hinh



Tin khác