Hội thảo: "Vai trò của tiếng Anh đối với sinh viên ngành Du lịch"

 

Chiều 23/5, khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Vai trò của tiếng Anh đối với sinh viên ngành Du lịch" nhằm thảo luận, bàn các giải pháp giúp sinh viên ngành Du lịch học tốt hơn ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Dự Hội thảo, về phía khách mời có bà Nguyễn Thị Vân Anh, Tổng Giám đốc Flamingo Travel; ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ, chuyên gia cố vấn xây dựng chương trình tiếng Anh cho các cơ sở giáo dục. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch; TS. Nguyễn Thị Thúy Hạnh, khoa Sư phạm; ThS. Nguyễn Tá Nam, giảng viên, cố vấn Câu lạc bộ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc khoa Văn hóa Du lịch cùng các sinh viên của khoa.

Sinh viên tham gia Hội thảo

Tại Hội thảo, các khách mời và sinh viên đã trao đổi, thảo luận, khẳng định vai trò quan trọng của của ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng trong hoạt động nghề nghiệp và cuộc sống. Có thể thấy, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của hơn 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu EU và là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Tây Ban Nha (do sự khác biệt trong dân số quốc gia). Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu và được ví như tấm vé thông hành, cầu nối giúp bạn dễ dàng có một công việc ổn định với mức lương cao hơn và gần như tiếng Anh là kỹ năng quan trọng trong rất nhiều ngành nghề. Trong ngành Du lịch, đặc biệt là các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng thì tiếng Anh gần như là kỹ năng mặc định, tiêu chí đầu tiên của nhiều nhà tuyển dụng. Hiện nay, ngay từ trong giai đoạn tư vấn, hướng nghiệp thì các bạn trẻ đều được khuyến khích học tập, trau dồi vốn tiếng Anh của mình.

Để sinh viên học tốt tiếng Anh, theo các khách mời, yếu tố đầu tiên đó chính là cần có sự kiên trì. Sinh viên cần phải coi tiếng Anh như "hơi thở, thức ăn" hằng ngày, là thứ phải duy trì đều đặn, thường xuyên. Mỗi ngày đặt ra một mục tiêu và cố gắng thực hiện, hoàn thành nó. Tiếp đó, thời điểm học tiếng Anh cũng hết sức quan trọng. Sinh viên càng được học tiếng Anh sớm càng tốt. Từ năm nhất, các em sinh viên nên luyện cho mình thói quen học tiếng Anh. Tuy vậy, thực tế, nhiều sinh viên nghĩ rằng mới vào đại học, mới năm nhất thì chưa cần nhiều đến tiếng Anh mà thay vào đó là phải bổ sung và ưu tiên các môn khác, còn tiếng Anh khi nào ra trường học vẫn chưa muộn.
Đây chính là suy nghĩ sai lầm dẫn đến những đáng tiếc sau này. Sinh viên là đối tượng có nhiều thời gian nhất, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho bạn tích lũy khả năng sử dụng tiếng Anh một cách thành thục.

Khi bước vào năm học thứ ba, thứ tư các sinh viên sẽ bận rộn với những môn học chuyên ngành, và sẽ không còn nhiều thời gian cho tiếng Anh. Khi đó thời gian nghiên cứu, thực hành, thực tập và tìm kiếm việc cho tương lai sẽ là mối lo lớn của bạn, ắt nhiên tiếng Anh sẽ bị lãng quên. Vì vậy, nếu có cơ hội, hãy học tiếng Anh càng sớm càng tốt. Đây sẽ là ưu thế giúp nắm bắt được nhiều cơ hội việc làm về sau.

Tiếp đó, sinh viên cần tăng cường thực hành tiếng Anh giao tiếp và nên tham gia các câu lạc bộ, các kỳ thi đánh giá. Hiện, năng lực tiếng Anh của sinh viên khoa Văn hóa Du lịch còn chưa cao. Để đạt chuẩn đầu ra và khi đi làm đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, bản thân mỗi sinh viên sẽ cần phải nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều.

Các khách mời tại Hội thảo

Các sinh viên và khách mời cũng trao đổi nhiều nội dung liên quan bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Hội thảo đã góp phần khơi dậy niềm đam mê tiếng Anh và định hướng nhiệm vụ học tập ngoại ngữ của sinh viên trở nên tốt hơn.

Ngọc Hinh

 

 



Tin khác