Hội thảo sinh viên Văn hóa - Du lịch với doanh nghiệp: “Khai mở đường – Trao cơ hội”

 

Hiện nay, xu thế đổi mới giáo dục đại học được phát triển theo hướng đào tạo gắn liền với liên kết các đơn vị sử dụng lao động. Điều này đã trở thành chiến lược tạo nên thương hiệu và uy tín cho mỗi cơ sở giáo dục đại học, nhất là tại các cơ sở đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng không nằm ngoài xu thế trên. Nhận thức được điều này, sáng 25 tháng 10 năm 2019, khoa đã tổ chức Hội thảo sinh viên Văn hóa - Du lịch với doanh nghiệp với chủ đề: “Khai mở đường – Trao cơ hội”. Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tang Lịch sử, Ban quản lý di tích nhà tù Hoả Lò; đại diện các khách sạn, công ty du lịch, một số cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố Hà Nội…. Về phía trường Đại học Thủ đô Hà Nội có TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong khoa và trường.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện nay có 22 mã ngành đào tạo đại học và 1 mã ngành sau đại học. Các mã ngành đã và đang chuyển sang đào tạo định hướng ứng dụng nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Khoa Văn hóa – Du lịch là một trong những khoa được thành lập khi trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội được nâng cấp thành trường đạo học đa ngành. Nhà trường đã chọn khoa Văn hóa – Du lịch là khoa đi đầu trong việc đào tạo định hướng nghề nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Trong thời gian qua, Nhà trường và khoa đã được các cơ quan quản lý của Hà Nội như Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và trên 20 doanh nghiệp, các chuyên gia, cố vấn đã chung tay góp sức vào sự phát triển của khoa, từ việc mở ngành đến đào tạo, liên kết đào tạo các nghiệp vụ theo tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) đến việc cử chuyên gia đến khoa trao đổi với giáo viên và sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tế, thực tập…

Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường khẳng định, để hướng đến mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đa ngành cho Hà Nội và các vùng phụ cận, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã nhận thức được vai trò quan trọng của mối liên hệ giữa nhà trường, doanh nghiệp và người học. Việc này giúp đào tạo nguồn nhân lực đúng theo nhu cầu của doanh nghiệp và người học có động lực khi nhìn thấy cơ hội việc làm. Tất cả các yếu tố đó sẽ tạo nên sự đồng bộ, góp phần vào việc nâng cao vị thế của Nhà trường. Trong Hội thảo này, Nhà trường muốn lắng nghe sự chia sẻ, góp ý của các doanh nghiệp về nội dung, hình thức đào tạo, qua đó giúp doanh nghiệp và Nhà trường tìm được tiếng nói chung, hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước ở mọi ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và lĩnh vực văn hóa.

TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch

Theo TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, đây là năm thứ 4 khoa Văn hóa – Du lịch đào tạo các mã ngành đại học, cũng là lần thứ 4 khoa tổ chức cho sinh viên gặp gỡ các doanh nghiệp với các hình thức khác nhau. Năm 2016, khoa mới được thành lập chỉ có hơn 100 sinh viên, trong đó có gần 40 sinh viên hệ đại học, còn lại là hệ cao đẳng ngành Việt Nam học, đào tạo định hướng du lịch. Đến nay, khoa đã có gần 500 sinh viên hệ đại học, thuộc các mã ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Việt Nam học. Sau các lần tiếp xúc với các doanh nghiệp, từ các cuộc gặp gỡ định hướng đầu khóa học đến các lần đưa sinh viên đến doanh nghiệp học tập, thực tập... có nhiều vấn đề đặt ra, sinh viên còn đang gặp một số vướng mắc. Vì vậy, Hội thảo Sinh viên với doanh nghiệp sẽ trang bị hành trang cần thiết cho các em sinh viên, định hướng, khai mở con đường phía trước, trao cho các em cơ hội nghề nghiệp trước những thách thức của thời kì hội nhập.

Các khách mời tham gia Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được sự tham gia của các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch cũng như các ý kiến đánh giá, góp ý của các doanh nghiệp, các đơn vị đã ký Biên bản ghi nhớ với trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nơi có sinh viên của khoa đến thực tế, thực tập. Đặc biệt, ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến từ các sinh viên thuộc các ngành Quản trị Khách sạn, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Việt Nam học. Các các ý kiến đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, lợi ích, hiệu quả của việc liên kết với doanh nghiệp.

si

Sinh viên tham gia thảo luận

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về những nội dung: Nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện nay đối với nguồn nhân lực văn hóa và nguồn nhân lực du lịch; những khó khăn của sinh viên trong quá trình học tập theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, những khó khăn khi học thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp; Những yêu cầu của doanh nghiệp đối với sinh viên, và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên (Lữ hành, Khách sạn, quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, lĩnh vực báo chí truyền thông...) và các giải pháp.

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, mở ra nhiều cơ hội, tạo động lực, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; đồng thời tìm ra tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và Nhà trường, hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước ở mọi ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và lĩnh vực văn hóa.

Ngọc Hinh

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Tin khác