Xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là trường đại học duy nhất trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội. Do đó, việc xác định vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm phát triển của trường như thế nào trong ngành giáo dục Thủ đô và hệ thống giáo dục đại học của của nước là một vấn đề hết sức quan trọng, nhất là từ khi trường được nâng cấp từ Cao đẳng Sư phạm Hà Nội lên đại học. Nhận thức được vấn đề này và thực hiện sự chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, sáng 17 tháng 11 năm 2021, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020 – 2030”. 

Dự và điều hành Hội thảo có TS. Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng, Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương… Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị trong trường. 

Cơ sở xây dựng chiến lược phát triển

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, về dự Hội thảo, TS. Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã tặng hoa và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động nhà trường.

TS. Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã tặng hoa và gửi lời chúc mừng

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Chử Xuân Dũng khẳng định, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là trường có bề dày truyền thống với hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần xây dựng dựa trên sự tiếp nối truyền thống hơn 60 năm đào tạo giáo viên và tổng kết thành tựu hơn 5 năm xây dựng, phát triển của Nhà trường với vị thế Trường Đại học công lập duy nhất của Thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cho rằng, chiến lược phát triển trường phải kiên định với mục tiêu được xác định trong Đề án Thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội “phát triển thành cơ sở đào tạo đa ngành, theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, các sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, vùng Thủ đô và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành trung tâm văn hoá, giáo dục và khoa học công nghệ có uy tín, xứng tầm với sự phát triển của thành phố Hà Nội, được xếp hạng cao trong hệ thống các trường đại học Việt Nam và tham gia vào mạng lưới các trường đại học của Châu Á”. Đồng thời, tận dụng, nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng lần thứ Tư, để nhanh chóng xây dựng trường theo mô hình trường đại học thông minh, làm nền tảng để phát triển thành phố thông minh. 

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020-2030 cần nhận diện rõ bối cảnh, chính sách và điều kiện thực tiễn thực hiện. Do đó, trong Hội thảo này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến để Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hoàn thiện chiến lược phát triển của trường, tập trung vào việc xác định sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, các mục tiêu và giải pháp, nguồn lực để xây dựng và phát triển trường trong giai đoạn hiện nay.

 Chiến lược phát triển cần dựa trên thực tiễn

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã giới thiệu khái quát tình hình hoạt động của của Nhà trường trong thời gian qua. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được phát triển theo hướng đa ngành, có thế mạnh trong lĩnh vực sư phạm. Đây là một điểm sáng trong những cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín cao của Hà Nội và cả nước. Tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng trên 70.000 giáo viên cho Thủ đô, chiếm khoảng trên 75% đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của Hà Nội. Kết quả đào tạo và tỷ lệ tuyển sinh đại học của trường đều tăng qua các năm, đặc biệt năm 2020 đã đạt 103%. Hiện trường đang đào tạo 23 mã ngành trình độ đại học (8 ngành  Sư phạm và 15 ngành ngoài Sư phạm); 1 mã ngành trình độ thạc sĩ. Trong năm học 2020 – 2021, nhà trường tiếp tục xây dựng mới 11 mã ngành đào tạo và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường

Theo TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường, thực hiện sự chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã triển khai nghiêm túc việc soạn thảo, bàn bạc, lấy ý kiến rộng rãi trong toàn thể cán bộ, giảng viên Nhà trường và tham khảo các chuyên gia để xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030. Chiến lược phát triển trường đã kế thừa các nội dung liên quan đến sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục trong kế hoạch chiến lược phát triển trường giai đoạn 2016 - 2025 cũng như những thành tích đạt được của Trường kể từ khi thành lập và đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020. Chiến lược phát triển được xây dựng gồm 4 phần chính: Giới thiệu khái quát về Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Bối cảnh và thực trạng; Mục tiêu, giải pháp phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030; Tổ chức thực hiện. 

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xác định giá trị cốt lõi của Nhà trường là: Chất lượng – Sáng tạo – Tôn trọng – Hợp tác – Gắn kết cộng đồng. 

Về quan điểm xây dựng chiến lược, Trường xác định tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình là xu thế chung của giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Nhà trường cần gắn chặt với sự phát triển của nền kinh tế, trực tiếp là kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và phục vụ cộng đồng. Trường cần lấy giảng viên và sinh viên làm trung tâm, chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó, Trường đẩy mạnh hợp tác phát triển nhằm hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc của một trường đại học duy nhất của Thủ đô Hà Nội. 

Trong giai đoạn 2020 – 2030, Trường tập trung thực hiện các nhóm mục tiêu và giải pháp về phát triển đội ngũ và bộ máy nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên từng bước chuẩn hóa và nâng cao trình độ đào tạo, nghiên cứu khoa học đảm bảo tinh giản số lượng, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp. Thực hiện công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng giáo dục, từng bước bước mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo củanhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đa dạng của xã hội thông qua tiếp tục thực hiện mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, hoàn thiện hệ thống quản lý đào tạo, chú trọng phát triển chương trình đào tạo và đảm bảo các điều kiện tổ chức đào tạo, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo của Việt Nam và khu vực. Đồng thời thực hiện mục tiêu về công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và hợp tác phát triển; công tác tài chính và cơ sở vật chất.

Trong đó, thực hiện một số mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ cán bộ, giảng viên hữu cơ đảm nhận khối lượng giảng dạy khối lượng kiến thức chương trình đào tạo đạt 100%; số lượng nhân sự có học hàm PGS, GS từ người nâng lên 15 – 20 người. Tỷ lệ tuyển sinh hàng năm tăng và duy trì ở mức 3-5%; mở rộng và duy trì các chương trình đào tạo từ 35 – 40 ngành; mở thêm các ngành đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ… nâng số người học lên trên 12.000 học viên, đảm bảo tỉ lệ người học tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp chuyên ngành đào tạo ỏ mức 80%...

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, nhìn chung Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã khá sát với thực tiễn và toàn diện. Tuy vậy, theo TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng, Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường nên xác định và có lộ trình đào tạo và mở các mã ngành vừa đảm bảo phù hợp, đúng theo quy định, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Thủ đô Hà Nội. Hoặc như ý kiến của đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hôi Hà Nội, khi xây dựng chiến lược phát triển, nhà trường nên đánh giá tác động của tình hình thực tiễn, đặc biệt là dịch bệnh Covid -19 tới công tác tuyển sinh, đào tạo. Từ đó, việc xác định quy mô, cơ sở vật chất với hoạt động của nhà trường sẽ sát và phù hợp với thực tế hơn. Bên cạnh đó, đại diện một số sở ban ngành của Hà Nội như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở kế hoạch, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình văn hoá – xã hội… cũng đóng góp một số ý kiến để làm rõ thêm mối quan hệ, vai trò của Trường với Thủ đô Hà Nội và ngược lại, các sở, ban, ngành sẽ tác động, hỗ trợ, hợp tác với nhà trường như thế nào… để qua đó tận dụng, phát huy lợi thế về vị trí, tài nguyên, cơ sở vật chất của Thành phố Hà Nội trong đào tạo, mang lại sự khác biệt, đặc trưng và tăng tính cạnh tranh cho hoạt động đào tạo của nhà trường. 

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện 

Sau một thờigianlàm việc tích cực, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. TS. Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đánh giá cao công tác chuẩn bị Hội thảo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng như sự tham dự đông đủ, trách nhiệm của các sở, ban, ngành có liên quan cùng sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia đối với chiến lược phát triển của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với nhiều ý kiến sâu sắc. Phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của riêng trường mà là nhiệm vụ chung của Thành phố. Hội thảo đã chỉ ra được sứ mạng, tầm nhìn, định hướng phát triển của Nhà trường, các mục tiêu, giải pháp để thực hiện chiến lược. 

Ông Hà Văn Siêu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Ông Nguyễn Hồng Sơn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội

 

Để triển khai và tiếp nối kết quả của Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chọn lọc, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2020 - 2030 và báo cáo kết quả hoàn thiện chiến lược tới Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội. Nghiên cứu khoảng thời gian của chiến lược, mang tính tổng thể, có thể kéo dài tới năm 2045. Chiến lược cần có lộ trình phát triển cụ thể, vừa mang tính tầm nhìn, vừa mang tính mục tiêu chi tiết. Mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, nhất là những hạn chế, tồn tại của nhà trường từ đó đưa các giải pháp trụ cột trong chiến lược phát triển. Cần bám sát các chủ trương, nghị quyết và chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội để có kế hoạch, nội dung triển khai phù hợp, kiểm soát và có phương án trước các tác động của điều kiện kinh tế - xã hội. Chú trọng công tác quy hoạch cơ sở vật chất một cách tổng thể, có tầm nhìn. Công tác đào tạo chú trọng tới chất lượng, phù hợp với nhu cầu của Thành phố Hà Nội. 

Các sở, ban, ngành tiếp tục gửi góp ý cho Dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 để nhà trường hoàn thiện chiến lược và tích cực hỗ trợ các hoạt động của nhà trường.

 Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

 



Tin khác