Vấn đề tự chủ và xây dựng mô hình đại học thông minh


Sáng 14/1/2022, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề Tự chủ đại học và Xây dựng mô hình đại học thông minh - Từ lý luận đến thực tiễn” dưới hình thức trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu

Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như các cá nhân trong và ngoài nước. Tham dự Hội thảo có GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia đến từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế. Về phía Trường Đại học Thủ Dầu Một, dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; các Phó Hiệu trưởng: GS.TS. Đặng Văn Soa, TS. Nguyễn Văn Tuân cùng toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường. 

Xu thế phát triển giáo dục đại học

Tự chủ là xu thế tất yếu để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học, là hướng đi phù hợp để mở ra cơ hội phát triển về chiều sâu của giáo dục và đào tạo bậc đại học. Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách để thực hiện tự chủ đại học. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáodục đại họcđang từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho giáodục đại họcphát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáodục đại học. Đặc biệt, ngày 19/11/2018, kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Luật này đã có những điều chỉnh lớn về chính sách phát triển giáo dục đại học.  Một trong những điểm đáng chú ý của Luật là việc mở rộng phạm vi tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, hiện nay việc thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn nhiều rào cản và thách thức cần giải quyết. 

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời đại 4.0, phát triển giáo dục thông minh là một xu hướng tất yếu. Giáo dục thông minh là nền giáo dục có sự hỗ trợ rất nhiều của công nghệ, cung cấp cho người học chương trình học tập “mọi lúc, mọi nơi”, phù hợp với nhiều đối tượng đào tạo khác nhau (khả năng thích nghi cao), cá nhân hóa nội dung đào tạo. Giáo dục thông minh có sự ứng dụng rộng rãi công nghệ trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý, phương pháp dạy học hiện đại…

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền cho rằng: “Mô hình giáo dục thông minh cần sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà” đó là nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo, không ngừng làm gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động trong nền kinh tế tri thức”.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ Dầu Một

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ Dầu Một, mô hình giáo dục thông minh 4.0 cũng góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên; tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa giáo dục đại học với sản xuất; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương…Giáo dục thông minh giúp cho hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp cho người học có thể cá nhân hóa và hoàn toàn chủ động quyết định nội dung, phương thức học tập theo nhu cầu của bản thân. Giáo dục thông minh cũng giúp thay đổi tư duy cũng như cách tiếp cận đối với mô hình đại học theo hướng: nhà trường không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Không gian “nhà trường” không còn giới hạn trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà được mở rộng kết hợp với doanh nghiệp và thị trường lao động để trở thành “hệ sinh thái giáo dục”.

Do vậy, tự chủ đại học, đặc biệt là tự chủ đối với các trường đại học địa phương hiện nay, với tính cập nhật của xu hương giáo dục thông minh, xây dựng mô hình đại học thông minh trong thời đại 4.0 trở thành một xu thế và mang tính cấp thiết. 

Tự chủ đại học

Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã nêu tổng quan các vấn đề quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ; thực trạng, kinh nghiệm, mô hình quản trị đại học tại các trường đại học nói chung và tại các trường đại học địa phương nói riêng (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Đà Nẵng, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Đại học Hà Tĩnh, các trường đại học địa phương tại Australia, Thái Lan…). Một số ý kiến đã làm rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lộ trình tự chủ đại học của các trường đại học địa phương; vai trò của Hội đồng trường, các góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế thực hiện tự chủ đại học; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; đặc biệt là về vấn đề tài chính, sở hữu của các trường đại học địa phương trong thực hiện tự chủ.

PGS.TS. Trần Mai Ước, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

Nói về vấn đề tự chủ tài chính, PGS.TS. Trần Mai Ước, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tự chủ về tài chính không có nghĩa là các trường phải tự lo về tài chính. Nhà nước vẫn có trách nhiệm đầu tư tài chính cho các trường công nhưng tăng cường quyền tự quyết của trường về tài chính trên cơ sở những quy định khung. Tự chủ về tài chính, về bản chất đó là sự chủ động về việc đảm bảo các nguồn lực bên trong phục vụ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Các trường đạihọccần được tự quyết định và chủ động về khai thác, tìm kiếm các nguồn tài chính; cách thức sử dụng các nguồn tài chính và tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai; và cân đối các nguồn tài chính thu và chi nhằm đảm bảo hệ thống tài chính minh bạch, tuân thủ pháp luật, và không vụ lợi. Mục tiêu của tự chủ tài chính (hay khoán tài chính) là nhằm thực hiện việc quản lý các trường đại học tốt hơn cơ chế quản lý trước đây. Mặt khác, việc đảm bảo các nguyên tắc khoản mục chi tiêu phải được công khai hoá, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học, chi tiêu tiết kiệm, góp phần đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của trường. Với những sự chủ động như vậy, các trường đạihọcvừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong lâu dài vừa thúc đẩy sự cạnh tranh năng động và lành mạnh trong toàn bộ hệ thống nhằm nâng cao sự đóng góp của hệ thống giáo dục đạihọctới sự phát triển của quốc gia đặc biệt là sự phát triển trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu. 

Xây dựng mô hình đại học thông minh

Các chuyên gia và báo cáo viên đã chia sẻ quan điểm về xu hướng giáo dục thông minh, mô hình đại học thông minh trên thế giới như: Đại học thông minh Helsinki Metropolia (Phần Lan); Đại học Quốc gia Singapore; Đại học thông minh Sydney (Úc); Đại học thông minh Stanford University (Mỹ). Các nguồn lực cần thiết để xây dựng đại học thông minh gồm nhiều yếu tố như: công nghệ, chương trình, phương pháp, nguồn nhân lực... 

TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Triển khai xây dựng “hệ sinh thái giáo dục thông minh” trên nền tảng công nghệ số ở Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, theo TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường, đây chính là việc mở rộng môi trường học tập cổ điển theo trường lớp ra môi trường rộng lớn hơn với tập hợp các hệ thống lí luận, phương pháp học tập, triển khai học tập nhờ sự kết nối với Internet. Đặc điểm mô hình này là công tác giáo dục tương tác chủ yếu trực tuyến thông qua công nghệ mạng, công nghệ đa phương tiện và kỹ thuật truyền thông. Cấu trúc hệ sinh thái giáo dục thông minh của Nhà trường gồm 5 yếu tố: Hệ thống chủ thể giáo dục (bao gồm toàn bộ nhân sự tham gia vào quá trình giáo dục); Hệ thống nội dung giáo dục (chương trình đào tạo, tham khảo, liên hệ)…Hệ thống công nghệ giáo dục; Hệ thống bối cảnh giáo dục; Văn hóa, chiến lược giáo dục.

Mô hình "hệ sinh thái giáo dục thông minh"

Bao quát nhiều vấn đề từ lý luận đến thực tiễn

Vấn đề về tự chủ và xây dựng mô hình đại học thông minh đã thu hút sự quan tâm của xã hội. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và tiến hành lựa chọn 79 bài tham luận đưa vào Kỷ yếu của Hội thảo. “Các ý kiến, bài viết đã bao quát vấn đề tự chủ đại học ở cả phương diện lý luận đến thực trạng và giải pháp, bước đầu khơi mở những vấn đề về xây dựng và phát triển mô hình đại học thông minh. Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực của Hội thảo cũng như đóng góp của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Trường Đại học Thủ Dầu Một đối với ngành Giáo dục”, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tại Hội thảo.

GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Có thể khẳng định, Hội thảo chính là diễn đàn để các nhà khoa học, các học giả, các chuyên gia, các nhà quản lý và tất cả mọi người quan tâm trao đổi học thuật, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực Khoa học giáo dục, đặc biệt là vấn đề tự chủ đại học, giáo dục thông minh, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó, sự thành công của Hội thảo cũng khẳng định sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Trường Đại học Thủ đô Hà Nộivới Trường Đại học Thủ Dầu Một cùng các cơ sở giáo dục khác trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thúc đẩy hoạt động hợp tác, liên kết trên nhiều lĩnh vực.

Ngọc Hinh

 



Tin khác