Thẳng thắn đánh giá công tác đào tạo trình độ ĐH và CĐ theo nhu cầu xã hội ngành Giáo dục Tiểu học

Để có những đánh giá sơ bộ, ghi nhận kịp thời những kết quả đạt được đồng thời nhìn nhận thẳng những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện đào tạo trình độ ĐH và đào tạo theo nhu cầu xã hội trình độ CĐ ngành Giáo dục Tiểu học tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội, chiều 27/2, Khoa Giáo dục Tiểu học đã tổ chức Hội thảo bàn về vấn đề này. Dự hội thảo có TS Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo; PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng phụ trách khoa Giáo dục Tiểu học; TS Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Đào tạo; ông Bùi Kiến Thiết, Giám đốc Trung tâm Đào tạo trường Trung cấp cộng đồng Hà Nội cùng các giảng viên và sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học.

Thẳng thắn, đánh giá đúng thực trạng

Năm học 2016 – 2017 là năm học đầu tiên trường ĐH Thủ đô Hà Nội đào tạo một số mã ngành trình độ ĐH, trong đó có ngành Giáo dục Tiểu học. Theo đó, khoa Giáo dục Tiểu học đào tạo 2 trình độ song song là ĐH chính quy Giáo dục Tiểu học và CĐ chính quy Giáo dục Tiểu học. Đồng thời, năm học 2016 – 2017, Nhà trường có liên kết với trường Trung cấp cộng đồng Hà Nội tổ chức đào tạo các lớp theo nhu cầu xã hội hệ CĐ.

Năm học 2016 – 2017, khoa Giáo dục Tiểu học có 11 lớp gồm 3 lớp ĐH, 5 lớp CĐCQ trong ngân sách và 3 lớp CĐ theo nhu cầu xã hội, nâng tổng số lớp toàn khoa lên 21, cao nhất kể từ khi sáp nhập trường THSPHN vào CĐSPHN tới nay. Việc chính thức được đào tạo trình độ ĐH là mong muốn từ rất lâu của các thế hệ cán bộ, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, đã trải qua quá trình chuẩn bị lâu dài về đội ngũ, chương trình đào tạo, đặc biệt là việc tích luỹ gần 60 năm kinh nghiệm đào tạo giáo viên Tiểu học của Khoa. Cùng với đó, việc đào tạo hệ CĐ theo nhu cầu xã hội cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý hành chính và chuyên môn. Tương quan 20 giảng viên và 21 lớp tạo ra áp lực lớn về cường độ lao động và yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ với cán bộ, giảng viên trong Khoa.

Theo Th.s Trần Thị Hà Giang – Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Giáo dục Tiểu học, với tinh thần nhìn nhận thẳng vào vấn đề, khoa Giáo dục Tiểu học tổ chức Hội thảo này nhằm bước đầu đánh giá chất lượng sinh viên của 3 lớp hệ ĐH chính quy và 3 lớp hệ CĐ theo nhu cầu của xã hội về các mặt như: kết quả học tập, rèn luyện cũng như việc tham gia công tác đoàn thể, phong trào… từ đó có cái nhìn sát thực nhất, là căn cứ thực tế giúp Nhà trường, Ban chủ nhiệm Khoa, các Bộ môn và từng cán bộ, giảng viên và sinh viên có định hướng phù hợp trong công tác chỉ đạo, tổ chức dạy và học trong thời gian tới.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa với 12 bài tham luận bằng văn bản và các ý kiến đóng góp  khác. Nội dung các bài tham luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Cơ sở vật chất; đội ngũ và chương trình đào tạo.

Hiện cơ sở vật chất của Khoa nói riêng và toàn trường còn nhiều khó khăn, tuy vậy các giảng viên, em sinh viên đã có sự thích ứng và điều chỉnh, có phương án tối ưu để giảng dạy, học tập. Về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, hiện toàn khoa chỉ có 20 giảng viên  và 2 giáo vụ Khoa nhưng phải đảm nhận 21 lớp học, đây là áp lực công việc rất lớn. Bên cạnh đó, do đầu vào của các hệ đào tạo chính quy và theo nhu cầu xã hội có sự chênh nhau nên quá trình đào tạo cũng những sự phân hoá nhất định về kết quả học tập, ý thức tổ chức nề nếp sinh hoạt, nhận thức nghề nghiệp… Về chương trình đào tạo, đây là thời điểm chuyển giao từ chương trình đào tạo niên chế sang tín chỉ, việc lồng ghép các môn học là yếu tố khách quan. Tuy vậy, với kinh nghiệm đào tạo của Khoa nhằm mong muốn trang bị đầy đủ cho các em sinh viên sau khi ra trường có đủ các kiến thức và nghiệp vụ cần thiết, các giảng viên phải tăng chất lượng và thông tin bài giảng trong các tiết học cho các em sinh viên.

Cung cấp nhiều thông tin hữu ích, định hướng đào tạo

TS Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Phát biểu tại Hội thảo, TS Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng Nhà trường ghi nhận những kết quả ban đầu mà Khoa Giáo dục Tiểu học đã đạt được đồng thời khẳng định, Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về công tác đào tạo, quản lý cho Nhà trường. TS Cường cũng đánh giá, đây là Hội thảo có chất lượng cao, là một điểm sáng nên được triển khai rộng rãi ở các khoa khác trong toàn trường.

Qua báo cáo tại Hội thảo có thể thấy, chúng ta cần thay đổi quan điểm trong công tác đào tạo: Điểm xuất phát đầu vào khi tuyển sinh chỉ là một phần nhỏ trong quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra mới là yếu tố sống còn và quyết định được chiến lược lâu dài của Nhà trường,  từ đó xây dựng thương hiệu của Khoa, của Trường. TS Đỗ Hồng Cường cũng chia sẻ với cán bộ, giảng viên và các em sinh viên trong Khoa những khó khăn về cơ sở vật chất và áp lực công việc, sang học kỳ 2 và thời gian tiếp theo cần tiếp tục đánh giá, xây dựng chương trình, phong trào để đẩy mạnh chất lượng học tập của sinh viên hệ Cao đẳng theo nhu cầu xã hội, báo cáo cụ thể lên BGH để có sự điều chỉnh và chỉ đạo phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Ngọc Hinh



Tin khác