Seminar “Truyện Kiều trong chương trình Ngữ văn phổ thông”

Chiều ngày 12 tháng 5 năm 2017, khoa Khoa học Xã hội trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tổ chức seminar “Truyện Kiều trong chương trình Ngữ văn phổ thông”.

Diễn giả chính của seminar là GS.TS.NGND Trần Đình Sử – nhà lý luận, phê bình lớn của văn học Việt Nam. Ông  được đánh giá là “…một trong số không nhiều những cây bút nghiên cứu, phê bình văn học xác lập được tư tưởng học thuật của mình”. Tên tuổi của Trần Đình Sử gắn với xu hướng nghiên cứu, phê bình theo hướng thi pháp học hiện đại. Ông là người đi tiên phong trong việc giới thiệu một cách hệ thống và đầy đủ thi pháp học hiện đại với tư cách một bộ môn khoa học từ lý thuyết đến diện mạo, tinh thần, thao tác nghiên cứu. Không chỉ có tầm bao quát lý thuyết, GS. Trần Đình Sử còn là người đi tiên phong trong việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Những cuốn sách như Thi pháp thơ Tố Hữu, Những thế giới nghệ thuật thơ, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam,  đặc biệt là cuốn Thi pháp Truyện Kiều… đã cho thấy điều đó.

GS.TS.NGND Trần Đình Sử

Thực tế, có một số lượng lớn các công trình nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng không phải người học, người dạy nào cũng tìm đọc và hấp thụ được mọi giá trị khoa học trong các công trình nghiên cứu đó. Trong giới hạn thời gian của seminar, GS. Trần Đình Sử chọn cách trình bày nhấn mạnh những điểm mới mẻ về thi pháp trong Truyện Kiều của Nguyễn Du so với bản gốc Kim Vân Kiều truyện của tác giả người Trung Quốc là Thanh Tâm Tài Nhân.

Có thể thấy sự sáng tạo của tác gia Nguyễn Du so với tác giả Thanh Tâm Tài Nhân ở thể loại, cách kể chuyện, sự vượt trội về lượng tri thức đời sống, cách Nguyễn Du sử dụng vô cùng nhiều điển cố quen thuộc theo cách lý giải của riêng ông v.v… những điểm nhấn về kiến thức khiến các khái niệm, các vấn đề có tính học thuật trở nên dễ hiểu, hấp dẫn.

Phần trình bày của GS. Trần Đình Sử được các giảng viên, sinh viên của Khoa Khoa học Xã hội hào hứng đón nhận trong suốt hai giờ đồng hồ.

Bên cạnh phần trình bày của GS Trần Đình Sử, các khách mời cũng trình bày các nội dung cùng chủ đề: Tự sự trong Truyện Kiều (PGS.TS. Lê Thời Tân- Phó trưởng khoa KHXH); Từ ngữ Hán Việt trong Truyện Kiều (TS. Trịnh Ngọc Ánh- tổ trưởng tổ Văn); Tính mơ hồ trong ngôn ngữ Truyện Kiều (ThS. Nguyễn Hồng Hạnh- giảng viên phân môn văn học trung đại Việt Nam)…

Buổi seminar đã đem tới cho người nghe lượng thông tin giá trị, mới mẻ phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Từ những khái niệm cơ bản về thi pháp, thi pháp Truyện Kiều…đến những thông tin cập nhật về văn bản Truyện Kiều, những biểu hiện cụ thể của thi pháp Truyện Kiều.

Thực tế, trong chương trình Ngữ văn trường THCS và THPT, mảng văn học trung đại Việt Nam nói chung, tác gia Nguyễn Du và tuyệt tác Truyện Kiều nói riêng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là bộ phận văn học có giá trị lớn trong vấn đề giáo dục truyền thống cũng như bồi đắp tâm hồn, tình cảm cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề dạy học tác phẩm văn học trung đại, các trích đoạn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du thực sự gặp phải nhiều hạn chế. Vướng mắc dễ thấy nhất là không phải người dạy nào cũng hiểu cặn kẽ tác phẩm, có khả năng cắt nghĩa rành mạch về nội hàm tác phẩm; học sinh không hứng thú với bài học, dẫn tới tình trạng không thể cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm từ nghệ thuật tới nội dung … Điều này vừa phản ánh tình trạng dạy- học Văn trong nhà trường phổ thông hiện nay lại vừa phản ánh không ít khó khăn, trăn trở của nhiều giáo viên Văn.

Buổi seminar của khoa Khoa học xã hội trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã góp phần giải quyết một số những vấn đề trên. Seminar đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thời gian tới, khoa Khoa học Xã hội sẽ tiếp tục triển khai những hội thảo, seminar có chất lượng khoa học để phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của sinh viên và công tác chuyên môn của giảng viên.

                                                                             Nguyễn Thị Thanh Huyền – Khoa Khoa học xã hội

                                                                                     



Tin khác