Hội thảo “Phát triển học liệu nghe nhìn trong giáo dục”

Sáng ngày 23 tháng 2, Hội thảo “Phát triển học liệu nghe nhìn trong giáo dục” đã diễn ra tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội do Th.S Trần Thị Huệ, giảng viên khoa Ngoại ngữ trình bày.

Cách sử dụng các thiết bị nghe, nhìn trong giảng dạy

“Phát triển học liệu nghe nhìn trong giáo dục” do báo cáo viên Th.S Trần Thị Huệ – Giảng viên Khoa Ngoại ngữ  trình bày là kết quả của khoá học ngắn hạn vừa được đào tạo tại trường ĐH KU Leuven, Bỉ từ ngày 29/8/2016 đến 20/10/2016 theo chương trình học bổng của Ban Hợp tác phát triển ĐH Chính phủ Bỉ (VLIR – UOS). Giáo sư Wim Van Petegem thuộc trường ĐH KU Leuven chủ trì, Viện truyền thông và học tập ĐH KU Leuven (Leuven Institute of Media and Learning) và Trung tâm giáo dục và phát triển (Education and Development Unit) đồng tổ chức và đào tạo. Khóa học được tổ chức thường niên kể từ năm 2010 và sẽ vẫn tiếp tục được tổ chức vào năm 2017. Năm 2016 có 15 học viên tham gia khóa học đến từ 10 nước, trong đó có một học viên duy nhất đến từ Việt Nam là Th.S Trần Thị Huệ.

Th.S Trần Thị Huệ – Giảng viên Khoa Ngoại ngữ

Theo Th.S Trần Thị Huệ, khoá học đã trang bị cho những nhà giáo dục, đội ngũ hỗ trợ giảng dạy ở các trường ĐH, học viện có khả năng thiết kế, sản xuất và quản lý học liệu nghe nhìn và phát triển các hoạt động học tập có ứng dụng công nghệ một cách phù hợp. Khóa học kéo dài 08 tuần liên tục với các hình thức giảng dạy như bài giảng trên lớp, workshop, seminar, các hoạt động thực hành, bài tập dự án cá nhân, thảo luận nhóm… Học viên được đánh giá là hoàn thành khóa học và được cấp chứng nhận đã tham gia khóa học nếu tham dự đầy đủ các hoạt động của khóa học, hoàn thành được các bài tập yêu cầu bắt buộc trong khóa học, và trình bày về dự án cá nhân trước hội đồng các giảng viên, chuyên gia và các học viên cùng khóa vào tuần cuối cùng của khóa học.

Báo cáo tại Hội thảo “Phát triển học liệu nghe nhìn trong giáo dục” tổ chức tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Th.s Huệ tập trung truyền tải các nội dung: Làm thế nào để sản xuất video; xử lý âm thanh; dạy học kết hợp online và trực tiếp trên lớp; cách thiết kế một khoá học có sử dụng thiết bị nghe nhìn; xu hướng sử dụng công nghệ trong đào tạo ĐH và sau ĐH

Để sản xuất một video cần nắm vững các bước trong quá trình sản xuất video (trước khi quay phim, trong khi quay phim, xử lý hậu kỳ cho phim); Sử dụng máy quay phim đơn giản và máy quay phim chuyên nghiệp; Sử dụng các thiết bị như máy tính bảng (iPad, Google Pixel C), điện thoại di động để quay phim; Phần mềm chỉnh sửa video: Adobe premier elements 14; Quay phim màn hình máy tính (screencast) với phần mềm Camtasia Studio 8; Một số nguyên tắc khi sản xuất video sử dụng trong giảng dạy.

Về cách thiết kế một khóa học có sử dụng học liệu nghe nhìn cần xác định: Mục tiêu học tập; đặc điểm của người học; Phương pháp dạy học; Kiểm tra đánh giá. Khi thiết kế một chương trình đào tạo, người thiết kế cần: Xác định mục tiêu đào tạo gồm các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần đạt được sau khi kết thúc chương trình đào tạo; Xác định triết lý giáo dục chính của chương trình đào tạo. Triết lý giáo dục cần phản ánh tầm nhìn và sứ mệnh của cơ sở đào tạo; Định vị chương trình đào tạo (cấp độ đào tạo, ví dụ chứng chỉ, cử nhân, thạc sĩ…; định hướng về nội dung đào tạo; sự lựa chọn chiến lược về các nội dung đào tạo thuộc các ngành gần …

Sử dụng thiết bị nghe nhìn trong giảng dạy có ý nghĩa quan trọng

Đặc biệt việc ứng dụng của khóa học tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Th.s Huệ nhận định: Đối với các giáo viên tiếng Anh, khả năng ứng dụng CNTT vào việc dạy học là rất quan trọng, và là một trong những kỹ năng nghề nghiệp bắt buộc. Trong chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh của Khoa Ngoại ngữ, học phần “Ứng dụng CNTT trong dạy học tiếng Anh” là học phần bắt buộc và được các em sinh viên đánh giá là rất hữu ích trong quá trình thực tập tại các trường tiểu học, THCS cũng như trong quá trình làm việc sau khi tốt nghiệp.

Theo chương trình đào tạo SP Anh đã được rà soát và điều chỉnh năm 2014, kể từ năm học 2017-2018 (tức là từ khóa SP Anh K41 trở về sau) học phần “Ứng dụng CNTT trong dạy học tiếng Anh” sẽ tăng thêm 01 tín chỉ so với trước đây. Nội dung phát triển học liệu nghe nhìn dự kiến sẽ được đưa vào giảng dạy ở học phần này, với hi vọng hướng dẫn cho sinh viên mã ngành SP Anh biết cách thiết kế, sản xuất và quản lý các tài liệu dạy học có sử dụng âm thanh, hình ảnh, video và ứng dụng những tài liệu này trong quá trình dạy tiếng Anh để tạo nên một môi trường học tập hấp dẫn, thú vị, tạo ra những kinh nghiệm học tập sâu sắc hơn cho học sinh tiểu học và THCS nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông.

Sau khoá học, Th.s Huệ sẽ tổ chức các buổi chia sẻ về nội dung, các kỹ năng học được từ khóa học với các đồng nghiệp tại Khoa Ngoại ngữ trường ĐH Thủ đô Hà Nội để các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ cùng nâng cao khả năng phát triển và sử dụng học liệu nghe nhìn, ứng dụng CNTT vào giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học tại Khoa Ngoại ngữ.

Ngọc Hinh – Ngọc Vinh



Tin khác