Hội thảo khoa học cán bộ trẻ lần thứ V

 

“Nghiên cứu khoa học ứng dụng phát triển Thủ đô Hà Nội” là chủ đề Hội thảo khoa học cán bộ trẻ lần thứ V của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, được tổ chức vào sáng 3/6/2021 thông qua hình thức trực tuyến. Dự Hội thảo có GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đề tài và đại diện các đơn vị cùng các cán bộ, giảng viên trẻ trong toàn trường.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Đặng Văn Soa khẳng định, hoạt động khoa học công nghệ nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng trong các trường đại học không chỉ là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là hoạt động tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…tạo ra chuỗi các giá trị phục vụ cộng đồng. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong những năm gần đây, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã quan tâm và có nhiều đổi mới trong hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ. Hiện Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đang trên đường phát triển, hòa nhập và mang tâm thế của một trường đại học. Trong đó, nhà trường đặc biệt chú trọng tới ba nội dung hoạt động là đào tạo; nghiên cứu khoa học; cung ứng các dịch vụ phục vụ cộng đồng và xã hội.

ThS. Lê Thúy Mai, Khoa Sư phạm

Các cán bộ, giảng viên, đặc biệt là cán bộ, giảng viên trẻ làm nhiệm vụ đào tạo cần kết kết hợp hài hòa nghiên cứu khoa học cơ bản với nghiên cứu khoa học nghiệp vụ. Bởi người làm công tác đào tạo cần hình thành và tạo cho mình năng lực để trở thành những “chuyên gia về việc học” từ đó khuyến khích và hình thành ý thức, thái độ học tập cho sinh viên. Với sức trẻ và tinh thần sáng tạo, cầu tiến, Phó Hiệu trưởng Đặng Văn Soa cũng bày tỏ hy vọng, thông qua Hội thảo khoa học của cán bộ trẻ, tinh thần nghiên cứu khoa học ứng dụng sẽ được triển khai và lan tỏa rộng rãi trong khắp toàn trường, tạo nên sức làm việc và diện mạo mới cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

ThS. Nguyễn Kim Trọng, Khoa Giáo dục nghề nghiệp

Hội thảo khoa học của cán bộ trẻ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội lần thứ V đã thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên trẻ tham gia. Ban tổ chức đã nhận được 42 tham luận và ý kiến đóng góp cho chủ đề “Nghiên cứu khoa học ứng dụng phát triển Thủ đô Hà Nội”. Trong đó, 4 tham luận đã được lựa chọn để trình bày tại Hội thảo, tập trung vào các nội dung chính: Một số biện pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học, khoa Sư phạm Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (ThS. Lê Thúy Mai, Khoa Sư phạm); Các biện pháp nâng cao hiệu quả tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa theo đề án “Giáo dục thể chất – theo nhu cầu của người học” cho sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (ThS. Đinh Thị Quỳnh Anh, Khoa Khoa học Thể thao & Sức khỏe); Mối liên hệ giữa cảm nhận hạnh phúc trong công việc và đạo đức nghề nghiệp  của nhân viên công tác xã hội (ThS.Phạm Thị Huyền Trang, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn); Nghiên cứu phát triển khoa học ứng dụng phục vụ Thủ đô Hà Nội (ThS. Nguyễn Kim Trọng, Khoa Giáo dục nghề nghiệp).

Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên trẻ nói riêng và đội ngũ nhân sự của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói riêng, theo các ý kiến tham luận của các đại biểu, Nhà trường cần tăng nguồn kinh phí cho hoạt động này, có chính sách ưu tiên phù hợp để khuyến khích các nhà nghiên cứu. Nhà trường cần tăng cường lãnh đạo và đổi mới cách thức tổ chức, quản lý chặt chẽ để có hiệu quả thiết thực hơn trong hoạt động đi nghiên cứu thực tế hằng năm của giảng viên; gắn kết chặt chẽ giữa việc đi nghiên cứu thực tế với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyên môn giảng dạy của giảng viên và nhà trường; góp phần tháo gỡ những vấn đề thực tiễn đặt ra của địa phương, cơ sở. Chọn nội dung đề tài nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ của trường và yêu cầu thực tiễn của thủ đô; đổi mới cách thức nghiệm thu sản phảm khoa học của giảng viên. Tạo cơ chế bắt buộc, động viên khuyến khích để giảng viên có động lực và say mê với hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc nghiên cứu làm đề tài cấp trường, sáng kiến kinh nghiệm cấp khoa, phòng. Tạo phong trào nghiên cứu khoa học cho cán bộ trẻ trong trường bằng cách tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi trí tuệ nhằm thu hút cán bộ trẻ, sinh viên tham gia, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm, kiến thức. Tổ chức các lớp bồi dưỡng về phương pháp nghiên cứu để nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ trong trường.

Ngọc Hinh

 



Tin khác