Hội thảo “Giá trị khai sáng của phong trào Đông Kinh nghĩa thục”

Ngày 27 tháng 4 năm 2017, Khoa Khoa học Xã hội trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Giá trị khai sáng của phong trào Đông Kinh nghĩa thục” nhân dịp kỷ niệm 110 (1907 – 2017) năm ngày diễn ra phong trào này. Dự Hội thảo có TS. Phan Ngọc Huyền – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu châu Á, TS. Đào Thu Vân – Khoa Lịch sử và TS. Nguyễn Thị Hạnh – Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tham dự hội thảo còn có hai học giả nước ngoài, đó là cô Kaneko Yukari – Lưu học sinh người Nhật Bản và cô Bae Anna – Lưu học sinh người Hàn Quốc. Về phía trường ĐH Thủ đô Hà Nội có GS.TS Đặng Văn Soa – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng lãnh đạo các phòng, khoa trong trường và toàn thể cán bộ, giảng viên của Khoa.

Điều hành hội thảo là PGS.TS Sử học Phạm Quốc Sử – Trưởng Khoa Khoa học xã hội và PGS.TS Văn học Lê Thời Tân – Phó Trưởng Khoa. Hội thảo đã tập trung thảo luận về các nội dung:

 Thứ nhất, Đông Kinh nghĩa thục với tư cách là một hệ thống trường học. Tiêu biểu cho nội dung này là tham luận: “Bàn thêm về mô hình trường học Đông Kinh nghĩa thục” của TS Trần Vân Anh, trong đó tác giả so sánh và chỉ ra sự khác biệt của mô hình Đông Kinh nghĩa thục với Public school của nước Anh và Khánh Ứng nghĩa thục của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Thứ hai, Đông Kinh nghĩa thục với tư cách là một bộ phận nổi bật của Phong trào Duy tân – Cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX với các tham luận: “Đông Kinh nghĩa thục với tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí” của TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy và “Đông Kinh nghĩa thục – Sự sáng chói của lớp Nhà Nho mới trong phong trào cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” của PGS.TS. Phạm Quốc Sử.

Thứ ba, Đông Kinh nghĩa thục với tư cách là một cuộc cải cách giáo dục. Nội dung này có nhiều tham luận, như: “Sách giáo khoa chữ Hán của Đông Kinh nghĩa thục” của TS. Trịnh Ngọc Ánh; “Cách viết tên riêng và việc dùng một số phụ âm đầu trong Quốc Âm tập đọc của Đông Kinh nghĩa thục” của Ths. Trần Thị Kim Chi; “Ôn Như Lương Văn Can và tác phẩm Ấu học tùng đàm” của ThS Nguyễn Văn Phương; “Về tập Đại Việt địa dư của Đông Kinh nghĩa thục” của ThS Nguyễn Thị Hương Lan; “Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục với việc truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản ở Việt Nam” của ThS Nguyễn Thị Bằng; “Vai trò duy tân của Đông Kinh nghĩa thục trong lĩnh vực văn hóa giáo dục” của TS Nguyễn Thị Hồng Vân; “Từ phong trào Đông Kinh nghĩa thục nghĩ về Phan Bội Châu và bài thơ Xuất dương lưu biệt” của ThS Nguyễn Thị Thanh Huyền; “Đổi mới phương pháp dạy học, cách đánh giá và việc dạy học làm văn ở Đông Kinh nghĩa thục” của Ths. Nguyễn Thị Mai Anh.

Thứ tư, phê phán một trường hợp nghiên cứu về Đông Kinh nghĩa thục. Tiêu biểu của nội dung này là tham luận của PGS.TS Lê Thời Tân: “Tìm hiểu Đông Kinh nghĩa thục qua “nghiên cứu” một “tình huống nghiên cứu”.

PGS.TS Văn học Lê Thời Tân – Phó Trưởng Khoa Khoa học xã hội

Đến từ Nhật bản, cô Kaneko Yukari phát biểu: “Tôi rất vinh dự khi được tham dự Hội thảo khoa học này. Khi mới sang Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên vì thấy cuốn Khuyến học của Fukuzawa (người đã sáng lập Khánh Ứng nghĩa thục) trên giá sách thư viện, trong khi ở Nhật Bản đây là một cuốn sách đã rất xưa cũ. Tham dự hội thảo, tôi mới hiểu được tác phẩm này có ảnh hưởng ở Việt Nam như thế nào”.

Có thể thấy, sau 110 năm phong trào Đông Kinh nghĩa thục vẫn để lại những bài học quý cho các thế hệ sau. Hội thảo “Giá trị khai sáng của phong trào Đông Kinh nghĩa thục” của Khoa Khoa học Xã hội đã tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị của Đông Kinh nghĩa thục, dấy lên tinh thần cách mạng và đưa vào trong nghiên cứu và giảng dạy ở nhà trường Việt Nam.

Trần Vân Anh – Khoa Khoa học xã hội

 



Tin khác