Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD

Sáng 24 tháng 2, Đoàn Giám sát của của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với trường ĐH Thủ đô Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD  giai đoạn 2010 – 2016. Dự buổi làm việc có đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; T.S Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

ĐH Thủ đô Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý giáo dục đại học

TS Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Tại buổi làm việc, TS Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày báo cáo, đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học; Thực trạng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của Nhà trường; Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của Nhà trường đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đại học. Bên cạnh đó là các nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị.

Về việc đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học, TS Đỗ Hồng Cường cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý giáo dục đại học khá nhiều. Tuy nhiên, các văn bản này chưa có sự đồng bộ và thống nhất giữa các bộ ngành, chưa thực sự bao quát hết được các đối tượng và dự đoán được các tình huống phá sinh khi văn bản tiếp có hiệu lực. Khoảng cách giao thoa thực hiện văn bản mới và văn bản cũ khá dài khiến tinh thần đổi mới chưa thực sự được thực hiện kịp thời, chưa trở thành động lực khuyến khích đội ngũ nhà giáo. Ví dụ như vấn đề hưởng phụ cấp công vụ của giảng viên, viên chức hành chính theo Quyết định 244/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo Nghị định 34/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 47/TT-BGĐT về quy định chế do dó làm việc đối với giảng viên; Thông tư 19/2004/BNV về Đào tạo bồi dưỡng viên chức quy định những tiêu chuẩn đặc thù đối với đào tạo, bồi dưỡng viên chức….

Về thực trạng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của Nhà trường: Trường ĐH Thủ đô Hà Nội được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, bên cạnh thuận lợi về bề dày truyền thống, Nhà trường cũng gặp những thách thức về việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức để đáp ứng yêu cầu đào tạo của trường ĐH đa ngành, chất lượng cao. Hiện Nhà trường đã từng bước nâng cao dần số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tính đến 02/2017, Nhà trường có 366 CBVC và LĐHĐ, trong đó có 207 giảng viên, giáo viên.

Nhiều năm qua, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Nhà trường có những chính sách khuyến khích tạo động lực phấn đấu làm việc và tinh thần đoàn kết trong đội ngũ cán bộ viên chức của trường.

Trên cơ sở phân tích các vấn đề trên, trường ĐH Thủ đô Hà Nội có một số đề xuất, kiến nghị: cho phép Nhà trường có phương án cơ chế đặc thù trong việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, giảng viên; Đầu tư kinh phí cho Nhà trường để các giảng viên được học tập, nâng cao trình độ; Đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động các phòng thí nghiệm hiện đại; Tạo cơ chế ưu tiên giao, “đặt hàng” cho trường một số nhiệm vụ khoa học – công nghệ trong Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ  của Thành phố; Có chính sách đãi ngộ phù hợp về tuyển dụng.

Cơ hội và thách thức trên con đường Tự chủ ĐH

ĐB Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận làm sâu sắc thêm các nội dung liên quan; đặc biệt là các định hướng phát triển khi trường ĐH Thủ đô Hà Nội sáp nhập thêm trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn; việc đảm bảo nguồn nhân lực khi trở thành trường ĐH đào tạo đa ngành.

Đại biểu Triệu Thế Hùng – UVTT UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Theo đại biểu Triệu Thế Hùng – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giai đoạn 2010 – 2016 của trường ĐH Thủ đô Hà Nội rất đầy đủ, chi tiết. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lựa chọn khảo sát tại trường vì đây là ngôi trường có bề dày truyền thống (Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) đồng thời cũng là một trường ĐH trẻ, đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp đào tạo. Qua buổi làm việc này, đoàn Giám sát đã thu nhận được những nội dung cần tìm hiểu, nắm bắt được tình hình thực tế và phù hợp với mục tiêu, nguyện vọng của Đoàn.Bên cạnh đó, đại biểu Triệu Thế Hùng cũng đề nghị, những kiến nghị của trường ĐH Thủ đô Hà Nội nên đề xuất vấn đề theo nhóm có thẩm quyền và chức năng qua đó việc giải quyết và xử lý những kiến nghị sẽ hiệu quả hơn.

Con đường dẫn đến tự chủ của trường ĐH Thủ đô Hà Nội còn nhiều vấn đề, đòi hỏi Nhà trường cần chuẩn bị chu đáo và tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ, tập trung vào các việc: Phát triển đội ngũ nhân lực (từ quy hoạch đến hoạt động, điều hành); Xác định quy mô đào tạo; Tự chủ tài chính; Phát huy tính dân chủ sáng tạo, định hướng và truyền tải cho sinh viên, học sinh tư duy phát triển độc lập, Nhà nước sẽ có cơ chế “đặt hàng” cho tư duy sáng tạo và hoạt động đào tạo trong bối cảnh hiện nay; Định hướng phát triển đại học nên nghiêng theo xu hướng đào tạo Ứng dụng trên cơ sở cân đói với Nghiên cứu khoa học.

Buổi làm việc đã thành công tốt đẹp và thu nhận được nhiều thông tin bổ ích.

Ngọc Hinh – Ngọc Vinh



Tin khác