“Ngoại ngữ - Tiếng Việt: Giữ gìn sự trong sáng và phát triển”

Sáng 12/5, khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ngoại ngữ - Tiếng Việt: Giữ gìn sự trong sáng và phát triển”. Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có PGS.TS. Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; ông Lê Dương, Phó Giám đốc Văn tiếng Anh khu vực, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội; TS. Hy Thị Hồng Nhung, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, điều hành và chủ trì Hội thảo có GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; cùng dự có TS. Trần Quốc Việt, Trưởng khoa Ngoại ngữ, lãnh đạo các phòng, khoa; cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Ngoại ngữ. 

GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh: Trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, ngoại ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng là trung tâm của các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và bản sắc của cộng đồng, là yếu tố kết nối con người với con người, kết nối nền văn hóa này với nền văn hóa khác, kết nối nền kinh tế này với nền kinh tế khác, kết nối dân tộc này với dân tộc khác. Đây chính là điều kiện mở được cánh cửa bước ra thế giới, tiếp thu thêm một nền văn hóa, tôn giáo mới và nắm bắt được nhiều cơ hội lớn cho mình. Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, đã có nhiều cuộc hội thảo, bài báo trong nước cũng như quốc tế bàn về tác động của toàn cầu hóa đối với việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Việt.

Cùng với đó, khi áp dụng những thành tựu của cách mạng Công nghiệp 4.0 vào việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản, khác biệt so với phương pháp dạy truyền thống, giúp cho người dạy và người học chủ động hơn trong việc tiếp cận với các nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả công nghệ thông minh để áp dụng trong việc dạy và học ngoại ngữ. GS.TS.Đặng Văn Soa cho rằng, việc nghiên cứu đánh giá, đưa ra các xu thế và giải pháp trong việc dạy, học ngoại ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0 nhằm thay đổi phương pháp dạy, học ngoại ngữ đặt nền tảng cơ sở cho sự phát triển của tiếng Việt là một đòi hỏi cấp thiết và tất yếu. Việc bàn thêm về vấn đề này trong bối cảnh phát triển toàn cầu hóa hiện nay là thực sự cần thiết. Chính vì vậy, Trường Đai học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo “Ngoại ngữ - Tiếng Việt: Giữ gìn sự trong sáng và phát triển” nhằm tập trung nghiên cứu cách thức dạy – học ngoại ngữ - tiếng Việt trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 ở nước ta hiện nay.

Đại diện Văn phòng tiếng Anh khu vực, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tặng hoa, chúc mừng Hội thảo

Hiện, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 20 bài viết, tham luận khoa học của các tác giả thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Căn cứ nội dung, tiêu chí của Hội thảo, căn cứ vào kết quả phản biện khoa học với các bài viết, Ban tổ chức đã lựa chọn 05 bài tham luận khoa học để trình bày tại Hội thảo. Đó là: “Bước đầu khảo sát đặc điểm cấu tạo của thuật ngữ khoa học công nghệ máy tính tiếng Anh (Trên ngữ liệu từ điển chuyên ngành)” (TS. Trần Quốc Việt – Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội); “Nhận diện hành vi từ chối lời đề nghị của người Mỹ và người Việt từ góc độ lý thuyết hành vi” (TS.Vương Thị Hải Yến – Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội); “Những ưu điểm của giáo trình Boya trong giảng dạy tiếng Trung quốc sơ cấp không chuyên tại Việt Nam” (TSHy Thị Hồng Nhung– Trường ĐH Sư phạm Hà Nội);” 汉语本土化教材思考与建议”(ThS.NCS Nguyễn Thị Vân Anh – Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội); “The spread of English as an international language and some implications for English teaching in Viet Nam” (Ths. Trần Thị Như Hoa – Khoa Ngoại ngữ  - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội).

PGS.TS. Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng: Tổng quan các vấn đề về nghiên cứu, giảng dạy ngoại ngữ và tiếng Việt - cơ sở lý luận, các mô hình, quan điểm, vai trò. Yêu cầu và khả năng đáp ứng của giảng viên trong việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Tiếp đó là thực trạng việc dạy và học ngoại ngữ tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh giữ gìn sự trong sáng và phát triển, đặc biệt là trước ảnh hưởng của làn sóng ngoại lai, ngôn ngữ mới, ngôn ngữ mạng. Nêu lên các mô hình, hoạt động dạy và học ngoại ngữ trên nền tảng giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt.

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, Hội thảo “Ngoại ngữ - Tiếng Việt: Giữ gìn sự trong sáng và phát triển” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là một diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, là cơ hội để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên giảng dạy ngoại ngữ và tiếng Việt có cơ hội được trao đổi học thuật, đề ra những giải pháp trong việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển  không chỉ của tiếng Việt và của cả ngoại ngữ. Từ đó, hỗ trợ giảng viên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trên cơ sở gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhà trường, Thành phố Hà Nội cũng như của toàn xã hội.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 



Tin khác