HỘI THẢO KHOA HỌC CỦA CÁN BỘ TRẺ TRƯỜNG ĐH THỦ ĐÔ HÀ NỘI LẦN THỨ 2

“Tự chủ nghề nghiệp của cán bộ trẻ trường ĐH Thủ đô Hà Nội – Thực trạng và giải pháp” là chủ đề của Hội thảo khoa học cán bộ trẻ lần thứ 2, được tổ chức vào sáng 4/5/2018 tại Hội trường lớn trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Dự Hội thảo có PGS.TS.NGƯT. Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TS. Đặng Văn Soa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đề tài và đại diện các đơn vị cùng các cán bộ, giảng viên trẻ trong toàn trường.

Hiệu trưởng Bùi Văn Quân phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Hiệu trưởng Bùi Văn Quân khẳng định, hoạt động khoa học công nghệ nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng trong các trường đại học không chỉ là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là hoạt động tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…tạo ra chuỗi các giá trị phục vụ cộng đồng. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong những năm gần đây, Đảng ủy, Ban giám hiệu trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã quan tâm và có nhiều đổi mới trong hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ. Hiện trường ĐH Thủ đô Hà Nội đang trên đường phát triển, hòa nhập và mang tâm thế của một trường đại học. Trong đó, nhà trường đặc biệt chú trọng tới ba nội dung hoạt động là đào tạo; nghiên cứu khoa học; cung ứng các dịch vụ phục vụ cộng đồng và xã hội.

Hiện nhà trường đã có những thay đổi lớn về quản lý hoạt động khoa học công nghệ: Giao quyền tự chủ, tạo cơ chế và phân bổ nguồn lực tài chính; phát triển Trung tâm Khoa học công nghệ, tiếp nhận các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học, đào tạo nguồn nhân lực trở thành nghiên cứu viên cho hoạt động khoa học công nghệ; thành lập Trung tâm Thiết bị thực hành để cung ứng các phương tiện, kĩ thuật cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Phó Hiệu trưởng Đặng Văn Soa phát biểu tại Hội thảo

Trong lộ trình phát triển, dự kiến đến năm 2021, trường ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ thực hiện tự chủ toàn phần về tài chính và học thuật. Chuẩn bị cho quá trình này, nhà trường đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, đáp ứng được hoạt động đào tạo; tạo môi trường làm việc công khai, minh bạch để mỗi thành viên trong nhà trường có điều kiện tham gia đóng góp cho những quyết sách và bước đi của nhà trường. Tự chủ về học thuật, chương trình đào tạo cần được đổi mới theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên. Ngay trong thời gian đầu tiên khi đi học, sinh viên cần được tiếp xúc với môi trường nghề nghiệp thông qua các học phần hoặc các buổi tham quan, thực tập, thực hành, từ đó sẽ hình thành ý thức nghề nghiệp. Các cán bộ, giảng viên, đặc biệt là cán bộ, giảng viên trẻ làm nhiệm vụ đào tạo cần kết kết hợp hài hòa nghiên cứu khoa học cơ bản với nghiên cứu khoa học nghiệp vụ. Bởi người làm công tác đào tạo cần hình thành và tạo cho mình năng lực để trở thành những “chuyên gia về việc học” từ đó khuyến khích và hình thành ý thức, thái độ học tập cho sinh viên. Với sức trẻ và tinh thần sáng tạo, cầu tiến, Hiệu trưởng Bùi Văn Quân cũng bày tỏ hy vọng, thông qua Hội thảo khoa học của cán bộ trẻ, tinh thần tự chủ học thuật, tự chủ nghề nghiệp sẽ được triển khai và lan tỏa rộng rãi trong khắp toàn trường, tạo nên sức làm việc và diện mạo mới cho trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Hội thảo khoa học của cán bộ trẻ trường ĐH Thủ đô Hà Nội lần thứ 2 đã thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên tham gia. Ban tổ chức đã nhận được 33 tham luận và ý kiến đóng góp cho chủ đề “Tự chủ nghề nghiệp”. Trong đó, 5 tham luận đã được lựa chọn để trình bày tại Hội thảo, tập trung vào các nội dung chính: Tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ đối với cơ sở giáo dục đại học yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách trong cuộc cách mạng 4.0; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở bên ngoài – môi trường phát triển chuyên môn tốt cho giảng viên các ngành ngoài sư phạm trường ĐH Thủ đô Hà Nội; một số vấn đề về tự chủ nghề nghiệp của giảng viên trẻ khoa Ngoại ngữ, khoa Khoa học Tự nhiên, Trung tâm Tư vấn và Thực hành  nghề Luật trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Để tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ cần tiến hành nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về vai trò và tính tất yếu của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển của cơ sở đào tạo đại học, đa dạng hóa nguồn tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ, đẩy mạnh việc kết nối giữa doanh nghiệp và trường đại học. Về tự chủ nghiên cứu khoa học, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên đại học, qua đó nhằm truyền đạt tri thức, hướng dẫn sinh viên kĩ năng tự học, tự nghiên cứu khoa học. Hợp tác nghiên cứu khoa học giữa cán bộ giảng viên trường ĐH Thủ đô Hà Nội với cơ sở bên ngoài sẽ tiếp cận và cập nhật được các lĩnh vực chuyên môn mang tính thực tiễn, mới mẻ, có nguồn tư liệu đa dạng với môi trường nghiên cứu tốt, đảm bảo phương tiện, cơ sở vật chất, đúng chuyên môn, yêu cầu… Tự chủ nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn lực, giúp các trường đại học vươn tới mô hình quản trị tiên tiến khi các quyết định đều có sự tham gia của giảng viên. Các nội dung phát triển tự chủ nghề nghiệp cho giảng viên trong quá trình quản trị nguồn nhân lực đại học bao gồm việc nâng cao nhận thức về quyền và thiết lập môi trường để giảng viên có điều kiện thực hiện và phát huy quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm với xã hội.

Chủ đề “Tự chủ nghề nghiệp” đã được các đại biểu thảo luận và làm sâu sắc thêm tại Hội thảo. Thành công của Hội thảo đã góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ nói riêng và hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung trong toàn trường.

ThS. Vương Khả Anh – Khoa Khoa học Tự nhiên

Ths. Vũ Thị Thanh Nga – Khoa Tâm Lý giáo dục

Ngọc Hinh – Công Khanh

 


Tin khác