Đại học Thủ đô Hà Nội hướng tới “xây dựng nền giáo dục thực chất”


Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách”, “chìa khóa” mở ra con đường đưa đất nước phát triển, hội nhập, đồng thời đặt ra những định hướng, nhiệm vụ cụ thể để tiến tới một nền giáo dục thực chất, “học thật, thi thật, nhân tài thật, đào tạo những con người thực chất, có đầy đủ năng lực phẩm chất của một công dân mới, công dân toàn cầu là nhiệm vụ của nền Giáo dục Việt Nam thế kỉ XXI.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với nhiều điểm cầu khác nhau

Với sứ mệnh “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước”, ngày16 tháng 9 năm 2021, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Xây dựng nền giáo dục thực chất - Định hướng và giải pháp” nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các học giả, chuyên gia, các nhà quản lý và tất cả mọi người quan tâm trao đổi học thuật, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học giáo dục, đặc biệt là vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, hướng tới nền giáo dục thực chất “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Trên cơ sở các luận cứ khoa học, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, hội thảo cũng chia sẻ các định hướng giải pháp cho việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật”, từ đó góp phần vào tiến trình hành động vì một nền giáo dục thực chất trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ban tổ chức đã nhận được hơn 125 tham luận của nhiều chuyên gia, nhà quản lí giáo dục, cán bộ giảng viên, sinh viên đến từ các trung tâm nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quan điểm về nền giáo dục thực chất

Từ góc độ nghiên cứu các quan điểm, mô hình giáo dục trên thế giới và ở Việt Nam, PGS.TS. Đặng Quốc Bảo, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Giáo dục và Đào tạo đã khái quát lịch sử hình thành nền giáo dục Việt Nam qua các thời đại, truyền thống hiếu học; thành tựu và những rào cản trong quan niệm “khoa cử”, “vinh thân phì gia” của người xưa.

Các diễn giả tham dự Hội thảo

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đi sâu nghiên cứu yếu tố hình thành và tác động đến nền giáo dục như: chính sách, hệ thống văn bản quản lý về giáo dục, người thầy, người học, nhà trường, gia đình, xã hội, phương pháp, công nghệ, chương trình, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa nhà trường… Đặc biệt, một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là giáo dục thực chất ở bậc đại học. Vấn đề này được đề cập đến cả ở góc độ lý luận về chất lượng và quản lý tổng thể giáo dục đại học đến tiêu chí xếp hạng đại học, con đường xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới, các mô hình giáo dục đại học tiên tiến ở Nhật, Úc, Mỹ… Các ý kiến đã đóng góp làm phong phú thêm quan điểm và lý luận cho nền giáo dục Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo

Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, “học thật” hay thực học, về phương diện nội dung là một nền giáo dục hay một nhà trường cần hình thành và phát triển cho người học những phẩm chất, tri thức, kỹ năng, năng lực thực sự để sau khi rời ghế nhà trường, người học hoàn toàn có đủ khả năng, sự tự tin để sử dụng những tri thức này trong hoạt động nghề nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển của cá nhân, đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Học thực còn có ý nghĩa là học những thứ thực sự mỗi cá nhân cần, mong muốn đạt được để phát triển nghề nghiệp, phát triển nhân cách của bản thân.

“Dạy thật” là dạy những cái thiết thực, cần thiết, đáp ứng được yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của xã hội đối với từng ngành, nghề, ở từng vị trí việc làm. Dạy thật cũng như học thật, gắn liền với toàn bộ quá trình giáo dục trong các nhà trường từ việc xác định mục tiêu thực, thiết yếu, đến việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và giáo dục phù hợp với người học và yêu cầu chất lượng nhân lực của xã hội. Đánh giá kết quả học tập của người học là đánh giá đúng sự học, đánh giá đúng với mức độ thực học của người học đạt được, đánh giá một cách khách quan.

“Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đúng năng lực từng người và có chính sách phù hợp sẽ là một trong những nguyên nhân căn cơ, cốt lõi để người học sẽ học thực, nhà trường sẽ dạy thực, xã hội sẽ có được những nhân tài thực sự, đóng góp và thúc đẩy sự phát triển của xã hội một cách nhanh chóng, bền vững”, Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ.

Bài học thực tiễn

Thực trạng “dạy thật, học thật” được nhìn nhận dưới góc độ ở các cấp học và như  thành tố cấu thành của nền giáo dục. Nhiều chủ trương, chính sách, mô hình giáo dục được triển khai có hiệu quả và được xã hội ghi nhận. 

Thay đổi chương trình, sách giáo khoa đang là vấn đề trọng tâm trong đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Điều này minh chứng cho bước đột phá của giáo dục Việt Nam, từ giáo dục mang nặng tính từ chương, tính hàn lâm truyền thụ kiến thức, chuyển sang phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Trước đây, chương trình nặng về khép kín, thiên về diễn giảng nay đã chuyển sang chương trình được thiết kế theo hướng mở, chú trọng sự kiến tạo, giao tiếp giữa thầy và trò. Từ chương trình ứng thí, khoa cử chuyển sang chương trình thực học, thực nghiệp, học tập suốt đời. 

GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thảo

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập còn tồn tại trong các cấp học, ở nhiều chủ thể của nền giáo dục mà nhiều năm qua nền giáo dục đã “nhận ra” nhưng chưa tìm được “lời giải” xác đáng. Đó đều là những “bài học thực tiễn” để xây dựng nền giáo dục thực chất “học thật, thi thật, nhân tài thật” trong giai đoạn sắp tới.

Định hướng và giải pháp 

Để có nền giáo dục thực chất, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp “dạy thật,học thật” từ: Chính sách giáo dục, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đào, chú trọng hoạt động hướng nghiệp, gắn với quy hoạch, dự báo nhu cầu lao động, đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học…

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với vai trò là một trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước và trường đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội đã và đang định hướng xây dựng hoạt động giáo dục, đào tạo thực chất với quan điểm “Lấy giảng viên và sinh viên làm trung tâm, chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu”.

 

TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Để thực hiện được điều này, TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định, nhà trường cần kiên trì với định hướng chiến lược của một trường đại học ứng dụng, lựa chọn được một số chuyên ngành đào tạo đặc thù, có bản sắc riêng của trường, những ngành nghề trọng điểm cho kinh tế Hà Nội và vùng Thủ đô. Tiếp đó, trường cần thực hiện công tác kiểm định nhà trường và chương trình đào tạo, từng bước tiến tới xếp hạng đại học. Đại học Thủ đô Hà Nội từng bước định hướng tiến tới kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn Đông Nam Á (AUN), vốn đang là đích hướng tới của nhiều trường đại học tại Việt Nam. Việc được xếp hạng bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín, ngoài việc kiểm định nhà trường và chương trình như là thước đo của sự minh bạch về chất lượng; thì được nằm trong danh sách của các tổ chức xếp hạng trong nước và quốc tế uy tín cũng là một cách “giải trình” minh bạch nhất. 

Theo TS. Đỗ Hồng Cường, trường đại học cần thực hiện giải trình với xã hội về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp bởi đây là chỉ báo quan trọng để đo lường mức độ đáp ứng của chất lượng giáo dục đối với nhu cầu của thị trường lao động. Ở góc độ quản lý, nhà trường cần thay đổi phương thức quản trị, gắn với trách nhiệm giải trình. Chủ trương tự chủ đại học là vấn đề xuyên suốt và đồng thời đặt ra những vấn đề có tính nguyên tắc, cốt lõi. Cần tự chủ cả về: chương trìnhđào tạo, nhân sự, tài chính và quản trị. Trong đó, tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch thông tin. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần tăng cường sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã xây dựng chuẩn đầu ra cho người học có sự tham khảo nhu cầu thị trường và đơn vị sử dụng lao động, đồng thời khi xây dựng khung chương trình giảng dạy, biên soạn,cải tiến giáo trình và giảng dạy cũng có sự tham gia của các đơn vị này. Ngoài ra, trường cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục bằng việc liên kết về tài chính và cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đội ngũ tuyển dụng lao động trực tiếp tham gia giảng dạy. 

Một trong những giải pháp quan trọng nữa, đó là cần xác định vai trò và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học là bước đi tiên phong để nâng cao chất lượng của Nhà trường trong xu thế hội nhập. “Nhà trường cần cơ cấu, xây dựng các tiêu chuẩn giảng viên đại học dựa trên các chuẩn quốc tế; “nhập khẩu” và “chuyển giao”chương trình đào tạo từ nước ngoài phù hợp với hướng đi và tạo thành đặc thù cho trường. Làm theo hướng này, tin rằng sau một thời gian, trường sẽ có một số ngành đặc thù cho riêng mình, được xã hội nhận diện, qua đó tạo nên thương hiệu của trường”, TS. Đỗ Hồng Cường nhận định.

Ngọc Hinh

 

 

 



Tin khác