Phòng Tạp chí với “Tinh thần người phụ nữ hiện đại”

 

Bình đẳng giới? Phải chăng là việc đi đòi quyền lợi cho người phụ nữ trong một xã hội bất bình đẳng? Hay chăng vì lẽ đó, ta thấy người ta hay nhắc đến hai từ: “nữ quyền”. Tôi rất tâm đắc với quan niệm: “Nữ quyền không có nghĩa là cao bằng, cái gì đàn ông làm thì mình cũng làm, mình làm thì cũng bắt đàn ông làm theo, mình rửa bát thì chồng quét nhà. Mà nữ quyền chỉ là mình sống một cách thoải mái tự tại, không bị gò bò bởi giới tính”.

Theo Kinh thánh: Đàn bà được tạo ra từ chiếc xương sườn của đàn ông. Chứng tỏ phái nữ được nhìn nhận như sự phái sinh của phái nam. Trên phương diện tư duy triết học, Aristote xác nhận rằng đàn bà tự bản chất đã thấp kém hơn đàn ông: “Giống cái là giống cái do thiếu thốn các đặc tính nào đó; chúng ta nên xem bản tính giống cái như bị đau buồn vì sự khiếm khuyết tự nhiên”. Sau Aritote có rất nhiều triết gia, thần học gia, trí thức…đã lặp lại ý kiến trên. Chính vì là “phần phụ”, “phần thừa ra” từ thân thể Adam nên các Eva luôn ở thế lệ thuộc, trở thành phái yếu. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, một nửa nhân loại đã xác lập cho mình một trật tự xã hội theo ý muốn của người đàn ông. Ngay trong ngôn ngữ, người ta dễ dàng nhận ra ngôn ngữ chỉ phụ nữ phái sinh ngay trên bề mặt, kết cấu ngôn ngữ chỉ nam giới. Chữ “Man” trong tiếng Anh vừa có nghĩa là đàn ông vừa có nghĩa là nhân loại, sự phái sinh thể hiện có chữ gốc là “Man” sẽ nảy sinh ra “Woman” (đàn bà), Mr (ông) - Mrs (bà), Male (nam) - Female (nữ).

Trong văn hóa phương Đông, sự phân biệt này cũng được thể hiện rất rõ: không cho phép phụ nữ đi học, không tham gia khoa cử…Đơn giản sâu trong ý thức là quan niệm phụ nữ thấp kém, mê muội, “khó nuôi dạy”. Đạo Khổng Tử xem bản chất người phụ nữ là ngu dốt, thiếu năng lực và ý chí cầu tiến. Quan niệm trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tâm thức người phương Đông, biến phụ nữ thành món đồ sở hữu của phái nam. Như vậy, nói phụ nữ nông nổi, dốt nát không phải do yếu tố cá nhân mà nằm sâu ở tư tưởng.

Truyền thống của người phụ nữ Việt Nam là giàu đức hy sinh. Tuy nhiên, xã hội đã vịn vào phẩm chất tốt đẹp này của người phụ nữ để buộc họ phải đánh đổi cuộc đời, lựa chọn phần thiệt cho bản thân. Ta thấy, một phụ nữ hiện đại khôn ngoan là biết cân bằng cuộc sống gia đình và cuộc sống xã hội. Nếu như, họ tự giam mình trong bốn bức tường gia đình thì mặc nhiên tự họ đã đẩy mình đến bờ vực thẳm. Chúng ta không thể áp hoàn toàn hình mẫu những người bà, người mẹ - vốn dĩ là những biểu tượng truyền thống đẹp vào những người phụ nữ hiện đại. Đơn giản, môi trường xã hội thay đổi, con người cũng phải có những đổi mới trong tư tưởng để tiến kịp bước với thời đại. Tất nhiên, trên con đường đó cần phải gạn lọc những giá trị truyền thống để không làm mất đi bản sắc Á Đông nói chung và giá trị dân tộc nói riêng. Tại sao họ lại không có quyền đổi thay khi xã hội đã tiến thêm một bước mới trong sự đồng đẳng giữa nam và nữ?

Bản thân phụ nữ và đàn ông sinh ra là đã khác nhau, thực hiện các chức năng xã hội khác nhau. Đích đến văn minh của phong trào nữ quyền không phải là sự trấn áp hay đối kháng mà là sự đối thoại và hình thành quan hệ tác động giữa phái nam và phái nữ. Xét đến cùng, người phụ nữ cần phải thiết lập những giá trị của riêng mình. Họ đối thoại với nam giới để tìm đến đích hạnh phúc và tự tại chứ không phải là đấu tranh để loại bỏ nhau, vạch tội “bất bình đẳng giới” ra rồi tìm thủ phạm để kết tội nó không phải là giải pháp hay. Đồng thuận trong ngôn ngữ và đối thoại trong tư tưởng là cách phụ nữ cần làm để minh chứng cho quyền năng sống của bản thân.

Người phụ nữ của xã hội hiện đại hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Họ phải cố gắng vừa hoàn thành công việc xã hội để thể hiện sự cầu tiến muốn vươn lên khẳng định bản thân, vừa phải làm tròn nghĩa vụ của mình với gia đình. Người phụ nữ hiện đại cũng không chỉ biết sống cho người khác như thuở xưa, mà họ cũng đã biết trân trọng, yêu quý bản thân mình hơn. Chính những điểm tương đồng và khác biệt với hình ảnh người phụ nữ truyền thống đã tạo nên nét hấp dẫn cho người phụ nữ hôm nay.

Tập thể công đoàn viên phòng Tạp chí

Phòng Tạp chí – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là một đơn vị với tuổi đời khá trẻ nhưng là một đơn vị có một sức sống đầy tươi mới, năng động và nhiệt huyết. Với 07 công đoàn viên, trong đó số phụ nữ chiếm đa số. Với tinh thần bình đẳng giới, chị em phụ nữ phòng Tạp chí không phải người phụ nữ thiếu tiếng nói trong gia đình và xã hội mà là người phụ nữ có học thức, có trong tay vốn sống và kinh nghiệm. Cùng với các nam công đoàn viên, các nữ công đoàn viên luôn tích cực trong hoạt động chuyên môn cũng như các phong trào do nhà trường phát động. Tham gia vào các chương trình do Công đoàn trường tổ chức giúp toàn thể cán bộ trong Phòng, nhất là cán bộ nữ nhận thức được vai trò, vị trí của người phụ nữ và tinh thần đoàn kết, đấu tranh vì mục tiêu bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Mỗi công đoàn viên ý thức được tinh thần của người phụ nữ hiện đại: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nhà trường đã đề ra.

Hướng tới Kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Công đoàn Phòng Tạp chí luôn nỗ lực thi đua lập thành tích góp phần vào sự phát triển chung của Nhà trường. Sâu trong ý thức của mỗi Công đoàn viên Phòng Tạp chí, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội không chỉ là nơi để mỗi người cống hiến tài năng trí tuệ của bản thân mà là ngôi nhà lớn để chúng ta tìm về với tình người bao la.

Lê Thị Hiền - Phòng Tạp chí