Quy định về tổ chức quản lý, phản biện, in ấn, phát hành Tạp chí khoa học trường Đại học Thủ đô Hà Nội

QUY ĐỊNH

Về tổ chức quản lý, phản biện, in ấn, phát hành

 Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

(Ban hành theo Quyết định số 713/QĐ-ĐHTĐHN ngày 17/12/2015 của Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội)

----------------------------------------------

 

Chương I

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

 Điều 1. Tên Tạp chí, cơ cấu tổ chức, tôn chỉ, mục đích hoạt động

1. Tên Tạp chí: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Tên tiếng Anh: Scientific Journal of Hanoi Metropolitan University

Giấy phép hoạt động báo chí số 571/GP-BTTTT ngày 26/10/2015 do Bộ Thông tin Truyền thông cấp.

 Mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kì ISSN …………………..       ngày      tháng      năm 201     do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp theo văn bản số           /TTKHCN-ISSN.

Tạp chí Khoa học  – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xuất bản định kì 01 tháng/số (một năm gồm 06 số về các lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Kĩ thuật và công nghệ; 06 số về các lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Giáo dục…), kể từ tháng       12/2015.

2. Cơ cấu tổ chức của Tạp chí Khoa học  – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội gồm: Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Ban Biên tập, Thư ký tòa soạn, Biên tập kỹ thuật và các cộng tác viên.

3. Tạp chí Khoa học  – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hoạt động theo tôn chỉ, mục đích, thể thức xuất bản… được quy định trong Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Giấy phép hoạt động báo chí được cấp.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng đăng bài

1. Các bài báo, công trình nghiên cứu mới, tổng quan hoặc chuyên sâu, có giá trị khoa học và thực tiễn, thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn…

2. Các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong và ngoài trường.

Điều 3. Hình thức bài báo

1. Bài báo được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

2. Bài báo khoa học cần được viết theo trình tự sau: Tóm tắt (nêu ý tưởng và nội dung tóm tắt của bài báo); Mở đầu (tổng quan tình hình nghiên cứu, tính thời sự của vấn đề, đặt vấn đề); Nội dung (phương pháp, phương tiện, nội dung, kết quả nghiên cứu); Kết luậnTài liệu tham khảo.

3. Phần Tóm tắt (cả tiếng Việt và tiếng Anh) không quá 10 dòng. Tóm tắt tiếng Việt đặt sau tiêu đề bài báo và tên tác giả bài báo; tóm tắt tiếng Anh (gồm cả tiêu đề bài báo) đặt sau mục Tài liệu tham khảo (với bài báo viết bằng tiếng Anh, trình tự ngược lại). Bài báo toàn văn không dài quá 10 trang đánh máy. Các thuật ngữ khoa học và đơn vị đo lường viết theo quy định của Nhà nước; các công thức, hình vẽ cần được viết theo các ký hiệu thông dụng; các trích dẫn, chú thích, chú giải cần ngắn gọn, chính xác.

4. Bài báo được đánh máy trên khổ giấy A4, phông chữ (font) Times New Roman (unicode), cỡ chữ (size) 12 thống nhất cho toàn bài, lề trái 3 cm, lề phải 2 cm, cách trên, cách dưới 2,5 cm, giãn dòng (exactly) 17pt. Cuối bài có ghi rõ họ tên, học hàm học vị, cơ quan công tác, địa chỉ, số điện thoại của tác giả. Ban Biên tập chỉ nhận những bài có bố cục rõ ràng, cô đọng, súc tích (bản mềm gửi qua email).

5. Phần Tài liệu tham khảo xếp theo thứ tự trích dẫn trong bài (ghi tên đối với người Việt, họ với người nước ngoài), không trích dẫn quá 10 tài liệu và được ghi theo trình tự: số thứ tự, tên tác giả, năm xuất bản, tên ấn phẩm, cơ quan xuất bản, tập, số, nơi xuất bản, trang trích dẫn. Các tên nước ngoài được ghi bằng ký tự Latinh.

 

Chương II

QUY TRÌNH GỬI BÀI, PHẢN BIỆN, IN ẤN, PHÁT HÀNH

 

Điều 4. Quy trình gửi bài, phản biện

1. Tác giả gửi bài báo, công trình nghiên cứu cho Ban Biên tập qua email: tapchikhoahoc@daihocthudo.edu.vn (hoặc của Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Thư ký Tòa soạn). Thư kí Tòa soạn có trách nhiệm xem xét, lược bỏ các bài không đúng quy cách (theo thể lệ gửi bài) hoặc không đáp ứng yêu cầu của một bài báo khoa học. Căn cứ vào nội dung chuyên môn của bài báo, Thư ký toàn soạn gửi bài báo cho các chuyên gia để phản biện. Thời gian phản biện không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được bài báo.

2. Mỗi bài báo được gửi cho 02 phản biện độc lập. Nội dung nhận xét, phản biện bài báo khoa học bao gồm: ý nghĩa, giá trị khoa học của vấn đề, nội dung, kết quả nghiên cứu; mức độ đáp ứng các quy định về bố cục và hình thức bài báo; kiến nghị sửa chữa, bổ sung…

3. Thư ký tòa soạn có trách nhiệm chuyển các yêu cầu, đề nghị sửa chữa, bổ sung cho tác giả bài báo. Sau 10 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu sửa chữa, bổ sung, nếu tác giả bài báo không chỉnh sửa và gửi lại Ban Biên tập thì coi như không có nhu cầu đăng bài báo. Bài báo chỉ được phép công bố khi tác giả đã chỉnh sửa theo yêu cầu của phản biện.

4. Mỗi bài báo đứng tên một tác giả, nếu có cộng sự hoặc đồng tác giả thì số lượng không quá 05 người.

5. Tác giả bài báo chưa phải nộp lệ phí khi gửi bài và không được nhận nhuận bút khi bài được đăng.

5. Ban Biên tập không trả lại bản thảo nếu bài không được đăng. Bài đề nghị đăng số này nếu không sắp xếp được sẽ đăng ở số sau.

Điều 5. In ấn

1. Mỗi số Tạp chí Khoa học đăng không quá 20 bài, tùy số lượng và số trang của các bài báo gửi đăng.

2. Danh mục các bài báo gửi đăng các số tự nhiên và xã hội thống nhất sắp xếp theo nhóm và theo thứ tự tên tác giả.

3. Biên tập kỹ thuật chịu trách nhiệm rà soát, chỉnh sửa bản gửi in và bản bông theo đúng quy định về hình thức của Tạp chí, lập danh sách tác giả, bài báo gửi đăng mỗi số, ngày nhận, ngày phản biện, người phản biện… báo cáo Tổng Biên tập hoặc Phó Tổng Biên tập trước khi chuyển in.

4. Mỗi số Tạp chí in 200 cuốn. Trường hợp thay đổi số lượng bản in phải do Tổng Biên tập đề nghị và Hiệu trưởng phê duyệt.

5. Tạp chí Khoa học được gửi in tại các nhà xuất bản.

Điều 6. Phát hành

1. Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát hành và nộp lưu chiểu theo quy định trong Giấy phép hoạt động báo chí được cấp.

2. Mỗi bài báo được đăng được nhận 02 cuốn.

3. Thư ký Tòa soạn chịu trách nhiệm việc phát hành và nộp lưu chiểu ngay sau khi in ấn mỗi số. Việc phát hành được thực hiện qua đường bưu điện.

 

Chương III

KINH PHÍ VÀ THANH TOÁN

Điều 7. Kinh phí

1. Kinh phí chi cho hoạt động xuất bản Tạp chí Khoa học (công tác phản biện, in ấn…) được lấy từ nguồn kinh phí chi cho hoạt động khoa học công nghệ được cấp hàng năm và các nguồn kinh phí hỗ trợ, bổ sung khác (nếu có).

2. Việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xuất bản Tạp chí trong trường hợp nguồn kinh phí khoa học công nghệ được cấp hàng năm không đủ cho khoản mục này do Tổng Biên tập đề nghị và Hiệu trưởng phê duyệt.

Điều 8. Thanh toán

1. Kinh phí chi cho hoạt động xuất bản Tạp chí Khoa học được thanh toán theo theo từng số và theo định mức do Hiệu trưởng phê duyệt kèm theo quy định này.

2. Chi phí in ấn, phát hành thanh toán theo từng Hợp đồng cụ thể.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện

1. Tổng Biên tập chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc xuất bản Tạp chí Khoa học, đảm bảo chất lượng về nội dung và hình thức, đáp ứng các quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Giấy phép hoạt động báo chí được cấp.

2. Phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác Quốc tế (thông qua Thư ký Tòa soạn và Biên tập kỹ thuật) chịu trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức phản biện, in ấn, phát hành, thanh toán các số Tạp chí Khoa học theo quy định.

3. Quy định này có hiệu lực từ thời điểm ban hành và có giá trị đến khi có quy định mới.

 

HIỆU TRƯỞNG

(đã kí) 

Bùi Văn Quân

 

DỰ KIẾN ĐỊNH MỨC CHI, THU HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN

TẠP CHÍ KHOA HỌC – TRƯỜNG ĐH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

 

1.      Chi cố định 

Chi phản biện, biên tập :

 

       Phản biện (02 người)

300.000đ/bài/người

       Làm bản gốc

5.000đ/trang

       Hiệu đính tóm tắt tiếng Anh

50.000đ/bài

       Đọc và sửa chữa bản in

4.000đ/trang

Chi in ấn :

Theo hợp đồng và hóa đơn thanh toán thực tế

 2.      Thu (sau khi có chứng nhận ISSN)

- 600.000đ/bài với các bài thuộc lĩnh vực KH Xã hội và Nhân văn, KH Giáo dục (bài tiếng Việt)

- 800.000đ/bài với các bài thuộc lĩnh vực KH Tự nhiên, Kĩ thuật, Công nghệ  (bài tiếng Việt)