Tọa đàm: “Kết nối đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo cơ chế đặc thù tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội”

Để có thêm những thông tin triển khai xây dựng Đề án “Áp dụng cơ chế đặc thù trong đào tạo du lịch”, Khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Kết nối đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo cơ chế đặc thù tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội”. Dự buổi tọa đàm, về phía khách mời có đại diện Sở Du lịch Hà Nội; các chuyên gia ngành du lịch; lãnh đạo các đơn vị lữ hành và lưu trú: Hanoitourist, Ánh Dương, Viettravel, Viettrantour, Redtour, Melia, Lotte, Daewoo, A25; trường Quốc tế Quản trị khách sạn CHM… Về phía trường ĐH Thủ đô Hà Nội có PGS.TS. NGƯT. Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thu Hương – Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ; lãnh đạo một số phòng, ban trong trường.

PGS.TS. NGƯT. Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội

Cơ hội tìm ra tiếng nói chung giữa Nhà trường với đơn vị quản lý và sử dụng lạo động

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. NGƯT. Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội gửi lời cảm ơn tới đại diện các cơ quan quản lý ngành Du lịch, các đơn vị doanh nghiệp đã quan tâm tới hoạt động đào tạo ngành Du lịch của Nhà trường. Thông qua buổi tọa đàm “Kết nối đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo cơ chế đặc thù tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội”, các bên sẽ tìm ra tiếng nói chung giữa Nhà trường (đơn vị đào tạo du lịch) với đơn vị quản lý và đơn vị sử dụng lạo động. Hiệu trưởng Bùi Văn Quân cũng cho biết, khi nâng cấp từ cao đẳng lên đại học, trường ĐH Thủ đô Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển đa ngành theo định hướng ứng dụng, hướng đến hai mục tiêu “Quốc tế hoá” và “Hà Nội hoá” nội dung chương trình đào tạo. “Quốc tế hoá” để sinh viên của trường có những kiến thức và kĩ năng làm việc hội nhập, phù hợp với yêu cầu của khu vực và thế giới. “Hà Nội hoá” để đào tạo những ngành phù hợp và mang đặc trưng, đáp yêu cầu nguồn nhân lực Thủ đô Hà Nội, tạo ra sự khác biệt, trong đó có lĩnh vực du lịch, kinh tế công nghiệp… Khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ  của trường mới được thành lập, là đơn vị trẻ nên có nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để phát triển. Có nhiều điều kiện để triển khai những ý tưởng mới mang tính đột phá và tiên phong. Theo Đề án “Áp dụng cơ chế đặc thù trong đào tạo du lịch”, để mở rộng quy mô đào tạo nhân lực ngành du lịch, trường có thể đào tạo sinh viên với 3 hình thức: Chính quy (theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm); Văn bằng 2; Học cùng lúc hai chương trình. Để thực hiện tốt việc này, Nhà trường mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ và cung cấp giảng viên cho trường; doanh nghiệp có thể đảm nhận, thiết kế và triển khai một phần các học phần trong tổng chương trình đào tạo; tạo điều kiện để các sinh viên có thể thực hành, thực tập thường xuyên thông qua các hợp đồng và doanh nghiệp có thể đầu tư cơ sở vật chất trong đào tạo cho sinh viên ngành du lịch.

Tăng thời lượng thực hành, chú trọng giáo dục đạo đức và định hướng nghề nghiệp

Tại buổi tọa đàm, đại diện nhiều doanh nghiệp lớn về lữ hành và lưu trú trên địa bàn TP Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo cơ chế đặc thù tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là về chương trình, nội dung, hình thức đào tạo.

Đại diện khách sạn Melia

Chương trình đào tạo nên theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; bao gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo. Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu (lĩnh vực du lịch theo vùng miền, loại hình du lịch..). Tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để sinh viên khi ra trường thích ứng và làm được việc luôn, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại. Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, đây là vấn đề rất quan trọng với sinh viên các ngành nói chung và sinh viên ngành du lịch nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Viettrantour

Một trong những lĩnh vực nhận được nhiều ý kiến từ phía các nhà tuyển dụng là việc Nhà trường cần chú trọng giáo dục đạo đức và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Bởi lẽ, đặc thù của ngành du lịch là sự phục vụ thông qua các dịch vụ. Khi sinh viên theo học ngành này, cần nhận thức và định hướng nghề nghiệp rõ ràng, từ đó có thái độ và phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc đúng.

Khoa mới được thành lập, nhiều ý tưởng mang tính đột phá và tiên phong

TS. Lê Thị Thu Hương – Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ cho biết, khoa được thành lập ngày 8 tháng 1 năm 2015 trên cơ sở nòng cốt ban đầu là ngành Việt Nam học. Sau hơn hai năm thành lập, khoa đã mở thêm 2 mã ngành đào tạo là Quản trị khách sạnQuản trị dịch vụ du lịch lữ hành. Năm học 2017, công tác tuyển sinh hai mã ngành này đã vượt chỉ tiêu đề ra. Khoa hiện có 28 cán bộ, giảng viên thuộc các lĩnh vực: Văn hóa, Du lịch, Nghệ thuật. Bên cạnh đó, khoa cũng được sự cộng tác, tư vấn từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch. TS. Lê Thị Thu Hương nhận định, so với các cơ sở đào tạo du lịch khác, khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ trường ĐH Thủ đô Hà Nội có tuổi đời rất trẻ. Điều này đặt khoa đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Với định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng mở và tạo cơ chế đặc thù trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ sẽ cầu thị và áp dụng chương trình đào tạo mới, linh hoạt, phù hợp với thực tế để sinh viên khi ra trường đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng và xã hội.

TS. Lê Thị Thu Hương – Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ

Đề án “Áp dụng cơ chế đặc thù trong đào tạo du lịch” theo Công văn hướng dẫn số 4929/BGDĐT ngày 20 tháng 10 năm 2017 của  Bộ Giáo dục và đào tạo tập trung vào nội dung: Các ngành nghề được áp dụng cơ chế đào tạo đặc thù; chương trình nội dung, hình thức đào tạo; cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực du lịch; hợp tác giữa cơ sở đào tạo đại học với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp; hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch.

Đại diện trường ĐH Thủ đô ký Biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú

Cũng tại buổi tọa đàm, Hiệu trưởng Bùi Văn Quân đã ký Biên bản ghi nhớ với đại diện 5 doanh nghiệp lữ hành, lưu trú để tạo điều kiện cho sinh viên trường ĐH Thủ đô Hà Nội thực hành, thực tập thường xuyên và trao đổi các nội dung chương trình đào tạo khác.

Ngọc Hinh – Công Khanh



Tin khác