Thăm nhà tù Côn Đảo – hành trình tìm về cội nguồn và lịch sử

Thực hiện kế hoạch học tập, bồi dưỡng công tác tư tưởng chính trị, đạo đức cho các đảng viên năm 2017, Đảng bộ trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội nghị về công tác Đảng và có chuyến đi tìm hiểu thực tế tại huyện ủy huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ ngày 02 đến ngày 04 tháng 12 năm 2017. PGS.TS.NGƯT Bùi Văn Quân – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường làm trưởng đoàn. Cùng đi có các đồng chí trong Ban thường vụ Đảng ủy, Bí thư các Chi bộ và một số đảng viên trong trường. 

Tại chuyến đi tìm hiểu thực tế, đoàn trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tìm hiểu, thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương và thăm cựu tù nhân nhà tù Côn Đảo.

Thăm trại giam Phú Hải

Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến thăm là trại giam Phú Hải. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên tại khu di tích, 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo – nơi được coi là “địa ngục trần gian”. Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá.

Cùng với nhà tù Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Tại đây, cai ngục đã dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ.

Nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh… cho đến những nhà cách mạng nổi tiếng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng… từng bị giam giữ nơi đây

Lối vào “chuồng cọp”

Điểm đến tiếp theo đó là trại giam Phú Tường, nơi nổi tiếng với “chuồng cọp”, được xây dựng năm 1940, với diện tích hơn 5.000 m2 gồm 120 phòng giam có chấn song sắt phía trên, 60 phòng “tắm nắng” không mái che.

Bên trong “chuồng cọp”

Bên ngoài “chuồng cọp”

Trại giam Phú Tường được chia làm 2 khu, mỗi khu gồm 60 phòng giam, 30 phòng “tắm nắng” và một bệnh xá. Khu biệt giam này bị giấu kín hoàn toàn và đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động, bàng hoàng với dư luận quốc tế.

Tại tượng đài nghĩa trang Hàng Dương, đoàn trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã dâng hương tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ, đồng bào yêu nước đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo trong những năm tháng kháng chiến; thắp hương tại mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu; thắp hương tại các mộ tập thể và các mộ của các liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương

Theo Ban Quản lý Di tích Côn Đảo, trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, đã có hơn 20.000 tù nhân bị lưu đày. Tại Nghĩa trang Hàng Dương, hiện có 1.921 phần mộ của các liệt sỹ, chiến sỹ nhưng chỉ có trên 700 ngôi mộ xác định được tên tuổi, quê quán. Đa phần các mộ ở đây không quy tập mà vẫn giữ nguyên vị trí và giữ nguyên trạng mộ đá từ trước, trong đó có cả những phần mộ tập thể lên tới 14 liệt sỹ (bị địch xử tử hình cùng ngày).

Cũng trong chuyến đi thực tế này, đại diện trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tới thăm mẹ Nguyễn Thị Ni (78 tuổi) hiện là nữ cựu tù Côn Đảo duy nhất sau giải phóng tình nguyện quay về “bám đảo”.

Thăm nữ cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Ni

Côn Đảo ngày nay là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng về ý chí đấu tranh bất khuất, kiên cường, là điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà cả nhiều du khách nước ngoài. Tìm về nơi đây là tìm về cội nguồn, nhớ về truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh, mãi mãi biết ơn những hy sinh to lớn và thêm vững tin vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Chuyến đi đã đọng lại nhiều cảm xúc trong mỗi thành viên của đoàn.

Ngọc Hinh



Tin khác