Hội nghị Nghiên cứu và tọa đàm về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Sáng 12/12/2017, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu và tọa đàm về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới – Bộ Giáo dục và Đào tạo dự và thuyết trình tại Hội nghị. Dự Hội nghị còn có TS. Đỗ Hồng Cường, GS.TS. Đặng Văn Soa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các cán bộ, giảng viên trong trường.

Theo GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chương trình này nhằm giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới – Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cũng tại Hội  nghị, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết đã giới thiệu và trao đổi với các đại biểu dự hội nghị những nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

5 phẩm chất, 10 năng lực

Theo GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình tổng thể nêu lên 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Về năng lực, chương trình hướng đến 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại) gồm: Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Hai giai đoạn giáo dục

Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn. Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày.

Lựa chọn ngoại ngữ từ lớp 1

Ở cấp tiểu học, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương). Nội dung đáng chú ý nhất ở cấp tiểu học là môn Ngoại ngữ 1 được đưa vào thành môn học tự chọn từ lớp 1.

Hướng nghiệp từ cấp THCS

Điểm mới nhất của kế hoạch giáo dục cấp THCS chính là nội dung hướng nghiệp được yêu cầu tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Thay đổi mạnh ở cấp THPT

Giai đoạn này bao gồm các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Nội dung giáo dục địa phương. Học sinh sẽ được lựa chọn môn học định hướng nghề nghiệp từ lớp 10. Các môn học được lựa chọn chia thành 3 nhóm môn, học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn. Nhóm môn Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Điểm thay đổi quan trọng là thời lượng các chuyên đề học tập được đưa vào từ lớp 10 và có thời lượng tăng lên đáng kể.

Đổi mới đánh giá trở thành điều kiện thực hiện chương trình

Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp. Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ công tác phát triển chương trình.

Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ công tác phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, nội dung việc đánh giá định kỳ không còn quy định việc giao xét tốt nghiệp THPT cho các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, nội dung việc đánh giá trên diện rộng sẽ do “tổ chức khảo thí” cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chứ không phải là “tổ chức kiểm định chất lượng” như trước.

Ngọc Hinh 



Tin khác