Hội nghị: Đối thoại Ban Giám hiệu Nhà trường với sinh viên

Trong những ngày tháng cuối cùng của năm 2017, để cùng nhìn lại các việc đã làm và chưa làm được, đặc biệt là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của các em sinh viên từ đó có những điều chỉnh phù hợp, ngày 29 tháng 12 năm 2017, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Đối thoại Ban giám hiệu với sinh viên”.  Dự Hội nghị có TS. Đỗ Hồng Cường, GS.TS Đặng Văn Soa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo các phòng và các khoa đào tạo; gần 200 sinh viên đại diện cho sinh viên trong toàn trường.

Thẳng thắn và cởi mở

T.S Bùi Ngọc Kính – Trưởng phòng Đào tạo.

Hội nghị “Đối thoại giữa Ban Giám hiệu Nhà trường với sinh viên” đã diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn.Trong buổi đối thoại, gần 100 câu hỏi và ý kiến của các em học sinh, sinh viên tập trung vào các lĩnh vực: đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất và các hoạt động phong trào. Đặc biệt, lĩnh vực đào tạo được các em sinh viên hết sức quan tâm và dành nhiều câu hỏi. Đại diện lãnh đạo Phòng Đào tạo đã trả lời các câu hỏi liên quan đến: Chất lượng phục vụ; thời khóa biểu và lịch thi; thời gian sinh viên đi thực tập; đào tạo cùng lúc hai chương trình; đầu vào tiếng Anh; hoạt động Cổng thông tin điện tử…. Theo TS. Bùi Ngọc Kính – Trưởng phòng Đào tạo, việc Nhà trường tăng thời gian thực tập sẽ giúp sinh viên nắm vững được các kĩ năng, rèn luyện kiến thức chuyên môn và tự tin, thành công trong các đợt xét tuyển công việc. Đây chính là thế mạnh lớn của sinh viên ĐH Thủ đô Hà Nội so với sinh viên các trường khác. Về hoạt động của Cổng thông tin Đào tạo, hiện phòng đã đề xuất với Ban giám hiệu Nhà trường thay đổi và nâng cấp để phục vụ tốt hơn hoạt động dạy và học. Chương trình đào tạo sẽ chú trọng nhiều đến thực hành, rèn luyện nghiệp vụ.

Cơ sở vật chất phục vụ học tập và sinh hoạt của sinh viên cũng được các em sinh viên quan tâm. Thời gian qua, hệ thống website của trường đã được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu truy cập của toàn thể cán bộ giảng viên, sinh viên trong trường và những ai quan tâm đến công tác đào tạo của Nhà trường. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy cũng liên tục được bổ sung và đầu tư nhằm tạo điều kiện tốt cho hoạt động giảng dạy hiện đại. Tuy vậy, việc sử dụng các trang thiết bị và cơ sở vật chất cần được chú ý và hợp lý hơn để tránh sự xuống cấp nhanh và gây lãng phí.

Lắng nghe, đổi mới để nâng cao chất lượng và môi trường giáo dục

 Trường ĐH Thủ đô Hà Nội mới được nâng cấp từ trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội chưa đầy 3 năm. Trong bối cảnh đó, cơ hội và thách thức đặt ra với thầy và trò Nhà trường cũng nhiều. Để hoàn thành và vượt các mục tiêu đặt ra, thầy và trò cần đoàn kết, nỗ lực cố gắng dạy và học thật tốt, cùng nhau chia sẻ và góp sức xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển. Đối thoại với sinh viên chính là dịp để Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn và tìm ra các giải pháp tốt nhất cho công tác đào tạo. Thay mặt Ban Giám hiệu, TS. Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, Hội nghị đối thoại chỉ là một trong những kênh thông tin giữa sinh viên với Nhà trường, trong thời gian tới, các em sinh viên hãy mạnh dạn bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng qua nhiều hình thức khác nhau để Nhà trường xem xét, điều chỉnh và có những quyết định phù hợp. Phòng Công tác học sinh sinh viên cần nhanh chóng lập và quản lý hộp thư để tiếp nhận ý kiến của sinh viên.

TS. Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Qua Hội nghị này, Ban Giám hiệu sẽ ghi nhận và xem xét các kiến nghị của các em sinh viên. Nhà trường sẽ chú trọng nâng cao công tác cố vấn học tập từ đó đưa ra các quy định đào tạo phù hợp, kịp thời, tốt hơn đến các sinh viên. Nhà trường đã nhận thức được chất lượng hiện tại của Cổng thông tin đào tạo, trong thời gian tới sẽ tích cực đổi mới, nâng cấp. Chương trình đào tạo sẽ tăng thời gian thực hành, thực tập nghiệp vụ để sinh viên trường ĐH Thủ đô Hà Nội ra trường có thể thích ứng và làm được việc ngay. Việc quy định chuẩn đầu vào tiếng Anh là rất cần thiết và sẽ thực hiện nghiêm túc. Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường mong muốn, các em sinh viên có mặt trong Hội nghị sẽ nắm rõ hơn tầm quan trọng của tiếng Anh và từ đó sẽ lan tỏa, truyền tải thông điệp, tinh thần này đến toàn thể các bạn sinh viên khác.

Tới đây, chương trình đào tạo cũng có những thay đổi nhất định, đặc biệt là giáo dục Thể chất đại trà. Sinh viên sẽ học thể chất theo nhu cầu, năng khiếu dưới hình thức các Câu lạc bộ chứ không phải học đại trà các môn thể chất giống nhau.

Cơ sở vật chất cũng sẽ được chú trọng, đầu tư trong nguồn lực cho phép của Thành phố Hà Nội và của Nhà trường. Hội nghị Đối thoại lần này đã thể hiện sự quan tâm, sâu sát của Nhà trường đối với toàn thể sinh viên và cán bộ, giảng viên, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới môi trường giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập.

Ngọc Hinh – Công Khanh



Tin khác