Bình đẳng giới ở Việt Nam: “Công việc chăm sóc không trả lương – yêu thương là san sẻ”

Hiện nay, hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều đã nhận thức và thừa nhận việc thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) sẽ đem lại cuộc sống với chất lượng tốt hơn cho tất cả mọi người. Các quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế đã đạt được sự đồng thuận cao cho rằng: Nếu những phân biệt đối xử trên cơ sở giới bị xóa bỏ thì sẽ đem lại những lợi ích không chỉ cho các cá nhân mà còn mang lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định chính trị và công bằng xã hội. Việt Nam là một trong những nước đã cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới về mọi mặt, thể hiện qua việc soạn thảo ban hành Bộ Luật Bình đẳng giới; phê chuẩn hàng loạt công ước quốc tế có liên quan và phản ánh ở hệ thống luật pháp, chính sách của quốc gia. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quyền bình đẳng cho cả nam và nữ giới trong thực tiễn.

Có thể thấy, vấn đề về giới đang được rất nhiều quốc gia quan tâm trong đó có Việt Nam. Vấn đề về giới được biểu lộ ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, từ mọi khía cạnh. Và để thực hiện được mục tiêu về bình đẳng giới thì việc giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là hết sức cần thiết. Giáo dục là con đường đưa con người đến nền tri thức mới, sản phẩm của giáo dục không chỉ là kết quả học tập, sản phẩm của giáo dục còn thể hiện ở ý thức hệ của đại bộ phận người dân trong quốc gia đó.

Trước khi đi sâu vào phân tích thực trạng vấn đề về giới trong lĩnh vực giáo dục, bài viết đưa ra một số khái niệm để tiếp cận vấn đề về giới.

Khái niệm về Giới:Giới (gender) là một thuật ngữ chỉ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ nhìn từ góc độ xã hội; Giới đề cập đến sự phân công lao động, các kiểu phân chia nguồn lực và lợi ích giữa nam và nữ trong một bối cảnh xã hội cụ thể. Đặc trưng cơ bản nhất của giới là do dạy và học mà có. Vì vậy, những đặc trưng về giới mang tính xã hội, do xã hội quy định. Giới thể hiện các đặc trưng xã hội của phụ nữ và nam giới nên rất đa dạng. Nó phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, các khu vực, các giai tầng xã hội. Các quan niệm, hành vi, chuẩn mực xã hội về giới hoàn toàn có thể thay đổi được.

Khái niệm bình đẳng xã hội: Bình đẳng xã hội là nói tới sự thừa nhận và sự thiết lập các định kiến, các cơ hội và các quyền lợi ngang nhau cho sự tồn tại và phát triển của các cá nhân, nhóm xã hội. Trên lý thuyết, bất bình đẳng xã hội có nghĩa là không bằng nhau, không ngang nhau về các khía cạnh cơ bản của đời sống xã hội giữa các cá nhân, các nhóm người. Trên thực tế, khái niệm bất bình đẳng xã hội được dùng chủ yếu để chỉ mối tương quan xã hội nào không ngang bằng nhau đến mức gây tổn hại đến quyền và lợi ích của bên yếu thế.

Khái niệm bình đẳng giới: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. (Khoản 3, Điều 5, Luật Bình Đẳng Giới).

Hiểu một cách cụ thể, bình đẳng giới là một cách tiếp cận giải quyết các vấn đề đang đối diện với cả nam và nữ theo cách chia sẻ các lợi ích của phát triển một cách bình đẳng, bảo đảm chống lại gánh nặng thiên lệch của những tác động tiêu cực. Trong đó, nam giới và nữ giới được bình đẳng với nhau về: Các điều kiện để phát huy đầy đủ tiềm năng; Các cơ hội tham gia đóng góp và hưởng lợi từ các nguồn lực xã hội và quá trình phát triển; Quyền tự do và chất lượng cuộc sống bình đẳng; Được hưởng thành quả bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội.

Có thể nói, ở Việt Nam, bình đẳng giới là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, là mục tiêu chiến lược của phát triển bền vững, là mục tiêu cách mạng đưa đất nước đi lên chủ nghĩa Xã hội. Điều này được thể hiện thông qua hệ thông chính sách của nhà nước như Hiến pháp 2013, Bộ Luật Bình đẳng giới, hệ thống các văn bản ngang luật, lồng ghép bình đẳng giới vào trong các bộ Luật, chương trình dạy và học, ký kết các công ước quốc tế CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ. Có thể khẳng định, bình đẳng giới là lĩnh vực vô cùng sâu rộng, nó thể hiện ở mọi khía cạnh trong xã hội. Chính vì vậy, bài viết sẽ đề cập đến một trong những khía cạnh thiết thực, thực tế và là “điểm nóng” trong nghiên cứu về bình đẳng giới: công việc chăm sóc không trả lương.

Công việc chăm sóc không trả lương không còn là một khái niệm mới trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, đây lại là khái niệm khá mới mẻ trong thực hiện bình đẳng giới. Năm 2017, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đã công bố báo cáo nghiên cứu “Công việc chăm sóc không lương – Yêu thương là san sẻ”. Theo báo cáo “Để ngôi nhà trở thành tổ ấm” do Vụ Bình đẳng giới cùng ActionAid Việt Nam giới thiệu vào 9/2016 cho biết, phụ nữ Việt Nam trung bình dành hơn 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để làm những công việc chăm sóc không lương, nhiều hơn nam giới từ 2 tới 2,5 giờ đồng hồ. Dù công việc tốn khá nhiều thời gian cho mỗi gia đình và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước, song công việc chăm sóc không lương vẫn chưa nhận được sự trân trọng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nam giới và cộng đồng. Công việc chăm sóc không trả lương trở thành gánh nặng đè lên vai người phụ nữ, khiến họ phải hy sinh nhiều quyền lợi khác của mình.

Ảnh minh họa

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, phụ nữ thực hiện phần lớn những công việc chăm sóc không trả lương trong gia đình, bất kể trình độ học vấn của họ. Đó là bởi định kiến “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã ăn sâu trong xã hội. Để thay đổi định kiến này, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức, giúp cho các thành viên gia đình và cộng đồng cảm thông và san sẻ các công việc chăm sóc không trả lương đó.

Nghiên cứu của ActionAid Việt Nam chỉ rõ, đặc điểm về nhóm tuổi và sắc tộc, địa lý cũng có tác động lớn đến việc phân công chăm sóc không trả lương. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ trên 60 tuổi, những người ngoài độ tuổi lao động là những người mang gánh nặng chăm sóc không trả lương lớn nhất từ việc chăm sóc trẻ nhỏ trong gia đình. Phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và miền núi thậm chí còn chịu gánh nặng nhiều hơn do phải dành rất nhiều thời gian cho việc lấy nhiên liệu và lấy nước. Những kết quả này mang ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để đề xuất những khuyến nghị chính sách thực tiễn nhằm giảm quyết những vấn đề gốc rễ gây ra sự bất bình đẳng trong phân công chăm sóc không trả lương. Cụ thể là Nhà nước cần có thêm đầu tư vào các sáng kiến phát triển nông thôn như điện khí hoá, cung cấp bếp nấu, cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh, cũng như các chương trình chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non. Điều này sẽ giúp giải phóng thời gian cho phụ nữ, để họ có thể tiếp cận giải trí, giáo dục và những cơ hội việc làm có lương bình đẳng.

Có thể thấy rằng, công việc chăm sóc không trả lương mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình truyền thống ở Việt Nam, là ngọn lửa ấm giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà thậm chí còn là sự thúc đẩy kinh tế phát triển. Người thực hiện công việc này (mà ở Việt Nam chủ yếu là phụ nữ) phải hy sinh rất nhiều những cơ hội trong công việc để thực hiện tốt nghĩa vụ ấy. Trên thế giới, tại một số nước, người thực hiện công việc chăm sóc không trả lương trong gia đình được hỗ trợ tiền lương từ chính người còn lại trong gia đình. Tại Việt Nam, công việc này không đơn thuần chỉ là khía cạnh tiền bạc. Nó còn là sự yêu thương, là phẩm chất quý giá của người phụ nữ Việt Nam: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang. Không chỉ hưởng ứng tháng Bình đẳng giới, hy vọng rằng những người đàn ông sẽ luôn hiểu, chia sẻ với phụ nữ. Yêu thương là phải sẻ chia. Bạn muốn trở thành người đàn ông như thế nào?

Trương Thị Minh Huyền - khoa Tâm lý Giáo dục



Tin khác