Hội thảo “Một số giải pháp thúc đẩy du lịch thủ đô Hà Nội phát triển”

TS. Lê Thị Thu Hương – Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ

Để Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, xứng đáng là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là giải pháp trọng tâm và ưu tiên hàng đầu.  ĐH Thủ đô Hà Nội là một trong những đơn vị đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực du lịch cho Hà Nội. Làm thế nào sinh viên ra trường có thể làm việc ngay, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thích nghi với hoạt động du lịch chuyên nghiệp tại Hà Nội, sáng 19/4/2018 khoa Văn hóa Du lịch và Dịch vụ trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp thúc đẩy Du lịch thủ đô Hà Nội phát triển” trong đó nhấn mạnh tới giải pháp về nguồn nhân lực.

Phó hiệu trưởng Đặng Văn Soa phát biểu tại Hội nghị

Dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Nguyễn Văn Lưu, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia; PGS.TS. Trần Đức Thanh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; đại diện di tích nhà tù Hỏa Lò, trường Trung cấp Kinh tế – Du lịch Hoa Sữa, công ty du lịch Hải Thiên, khách sạn Hilton, Melia, nhà hàng Takumi Nhật Bản; về phía trường ĐH Thủ đô Hà Nội có các Phó Hiệu trưởng GS.TS Đặng Văn Soa, TS. Đỗ Hồng Cường cùng đại diện các phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, Tạp chí và cán bộ, giảng viên, sinh viên khoa Văn hóa Du lịch và Dịch vụ.

Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường phát biểu tại Hội nghị

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thủ đô Hà Nội. Nghị quyết số 06 ban hành 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và các năm tiếp theo đã chỉ rõ: Cần tạo bước đột phá phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, xứng đáng là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực. Theo TS. Nguyễn Văn Lưu, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia, để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp: Tuyên truyền, quảng bá, hợp tác thu hút khách du lịch; rà soát, bổ sung quy hoạch du lịch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng và xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó, để đạo tào và phát triển nguồn nhân lực du lịch, Hà Nội cần thống kê, đánh giá lại nguồn nhân lực hiện tại; tạo môi trường thuận lợi; tiêu chuẩn hóa và đẩy mạnh xã hội hóa nguồn nhân lực. Dự báo đến năm 2020, Hà Nội cần 383.400 người làm trong lĩnh vực du lịch và đến năm 2030 là 750.000 người. Nhân lực Hà Nội cần đảm bảo kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng, đạo đức đặc biệt là ngoại ngữ và tin học.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và khách mời đã đưa ra một số đề xuất, trong đó nhấn mạnh có 2 phương thức đào tạo: Đào tạo cơ bản (tại các cơ sở đào tạo) và đào tạo tại chỗ (các cơ quan, doanh nghiệp). Theo TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch và Dịch vụ, hiện trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã và đang tiến hành đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo hướng ứng dụng nghề nghiệp với cơ chế đào tạo đặc thù từ chương trình nội dung, hình thức đào tạo; cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực du lịch; hợp tác giữa cơ sở đào tạo đại học với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp; hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch. Chương trình đào tạo theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; bao gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo. Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu (lĩnh vực du lịch theo vùng miền, loại hình du lịch..). Tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để sinh viên khi ra trường thích ứng và làm được việc luôn, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại. Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, đây là vấn đề rất quan trọng với sinh viên các ngành nói chung và sinh viên ngành du lịch nói riêng. Hiện trường đã kí kết hợp tác với một số đơn vị đào tạo và kinh doanh du lịch: Trường Quốc tế Pegasus, Trường quốc tế CHM (City Smart Hotel Management); Khách sạn Daewoo; Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam tại Hà Nội; Công ty Du lịch Ánh Dương và nhiều đối tác khác.

Tại Hội thảo, đại diện trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tiến hành ký kết các chương trình hợp tác với một số đối tác đến từ các điểm du lịch, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch: Di tích nhà tù Hỏa Lò; trường Trung cấp Kinh tế – Du lịch Hoa Sữa; khách sạn Melia, công ty du lịch Hải Thiên.

Kí kết hợp tác với trường Trung cấp Kinh tế – Du lịch Hoa Sữa 

Kí kết hợp tác với khách sạn Melia

Kí kết hợp tác với Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò

Kí kết hợp tác với công ty du lịch Hải Thiên

                                                                                                                                                                       Ngọc Hinh



Tin khác