Hội thảo “Đào tạo bồi dưỡng giáo viên THCS các ban Khoa học Tự nhiên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”

Dự Hội thảo, về phía khách mời có GS.TS. Đinh Quang Báo, Phó Giám đốc kỹ thuật dự án Chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Nguyễn Viết Mậu, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS. Hà Thị Lan Hương, Viện Nghiên cứu Sư phạm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; lãnh đạo các trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định; Cao đẳng Sư phạm Hà Tây; Cao đẳng Sư phạm Nghệ An; lãnh đạo một số trường Trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Về phía trường Đại học Thủ đô Hà Nội có GS. TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Phan Thị Hồng The, Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên; lãnh đạo một số phòng, trung tâm trong trường cùng cán bộ, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên.

GS. TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, việc Nhà trường tổ chức Hội thảo “Đào tạo bồi dưỡng giáo viên THCS các ban Khoa học Tự nhiên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới” nhằm mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quản lý, phương hướng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để nâng cao chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm cho các trường cao đẳng, đại học. Theo GS. Soa, chiến lược phát triển giáo dục quốc gia 2011 – 2020 đã đặt ra vấn đề: “Củng cố, hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để sức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015”. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 7 năm 2017 quy định nội dung giáo dục cấp trung học cơ sở có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung đào tạo của địa phương. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra với các trường cao đẳng, đại học có đào tạo ngành Sư phạm, trong đó có trường Đại học Thủ đô Hà Nội là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có thể đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử, Địa lý. Hiện các trường đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học như: Xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên các trường phổ thông…  

GS.TS. Đinh Quang Báo, Phó Giám đốc kỹ thuật dự án Chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 38 ý kiến tham luận của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên ở nhiều trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, phòng giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông. Một số các ý kiến đã được trình bày tại Hội thảo tập trung vào các nội dung: “Xu hướng phát triển chương trình môn Khoa học Tự nhiên trên thế giới” (GS.TS. Đinh Quang Báo, Phó Giám đốc kỹ thuật dự án Chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Phan Thị Hồng The, Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Thủ đô Hà Nội); “Một vài trao đổi về vấn đề dạy Toán bậc Trung học cơ sở tiếp cận phương pháp dạy học tích hợp theo chủ đề” (GS.TS. Nguyễn Viết Mậu, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Bồi dưỡng giáo viên Vật lý, Hoá học, Sinh học nhằm triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên Trung học cơ sở trong Chương trình giáo dục phổ thông mới” (TS. Phan Thị Hồng The, Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Thủ đô Hà Nội); “Một số vấn đề đặt ra cho giáo viên trung học học cơ sở trong việc đánh giá năng lực học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục Việt Nam” (ThS. Hà Thị Lan Hương, Viện Nghiên cứu Sư phạm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội); “Tính kế thừa trong dạy học môn Toán phổ thông và vận dụng tính kế thừa vào đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Toán trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu cuả chương trình giáo dục phổ thông mới” (TS. Lê Văn Hồng, trường Đại học Thủ đô Hà Nội); “Đào tạo giáo viên trung học cơ sở hội nhập và phát triển trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0” (ThS. Đàm Thu Hương, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội); “Giải pháp đổi mới chương trình đào tạo giáo viên trung học cơ sở ở trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định” (ThS. Lê Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định); “Bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới” (ThS. Phạm Văn Ngát, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội).

GS.TS. Nguyễn Viết Mậu, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

 TS. Nguyễn Văn Tuấn, trường Đại học Thủ đô Hà Nội 

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, bổ ích. Qua đây, khoa Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các trường đào tạo ngành Sư phạm sẽ có thêm thông tin và cơ sở khoa học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đáp ứng tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới. Hội thảo cũng là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Nhà trường (6/1/1959 - 6/1/2019).

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh



Tin khác