Hoạt động tuyển sinh năm 2020 có nhiều khởi sắc


Năm 2020, công tác đào tạo nói chung và hoạt động tuyển sinh nói riêng chịu sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Vượt qua những biến động, khó khăn, thách thức, công tác tuyển sinh của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đạt kết quả khởi sắc.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Công tác học sinh sinh viên 

Tại Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh năm 2020 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội diễn ra vào chiều 24/12/2020, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Công tác học sinh sinh viên cho biết, kế hoạch tuyển sinh năm 2020 của Nhà trường và các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước có nhiều thay đổi theo từng thời điểm của dịch bệnh Covid -19. Thời gian tuyển sinh diễn ra muộn hơn so với những năm học trước. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao và tăng quyền tự chủ về hoạt động tuyển sinh cho các nhà trường. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tập trung xây dựng Đề án tuyển sinh đáp ứng yêu cầu thực tế tuyển sinh năm 2020. Phương thức tuyển sinh (4 phương thức) được Nhà trường lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mang lại kết quả tuyển sinh cao.

Hội đồng tuyển sinh Nhà trường đã kịp thời ban hành lịch trình, kế hoạch tuyển sinh, thành lập các ban giúp việc để triển khai công tác tuyển sinh. Hệ thống tư vấn tuyển sinh được triển khai dưới nhiều hình thức: Đường dây điện thoại nóng, fanpage, email, trực tuyến, truyền hình trực tiếp…. Nhà trường cũng đổi mới và tiến hành nhiều hình thức đăng ký tuyển sinh: Trực tuyến, qua đường bưu điện, trực tiếp tại trường… thu hút tối đa nguồn đăng ký tuyển sinh. Do đó, việc tuyển sinh diễn ra nhanh, gọn, đúng quy định và đạt hiệu quả.

Kết quả cụ thể, năm 2020, toàn trường có 11.997 nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; 7.986 nguyện vọng xét tuyển bằng học bạ; 147 nguyện vọng đăng ký xét tuyển thẳng và trường. Với 24 mã ngành tuyển sinh, trường đã tuyển sinh được 1.778 sinh viên nhập học /1.730 chỉ tiêu đề ra, đạt tỉ lệ 103%. Một số ngành thu hút đông sinh viên theo học: Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Luật, Công nghệ thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn.

Tuy vậy, một số ngành vẫn không tuyển sinh được, đó là: Sư phạm Vật lý, Công nghệ kỹ thuật môi trường. Một số ngành, chỉ tiêu tuyển sinh còn thấp, chưa đạt.

TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh

Để tìm ra các giải pháp cho mùa tuyển sinh tiếp theo, các đại biểu tham dự Hội nghị đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và những hạn chế cần khắc phục trong công tác tuyển sinh, tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn tài chính và truyền thông tuyển sinh. TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng hành cùng công tác tuyển sinh. Để hoạt động tuyển sinh đạt hiệu quả, toàn trường tập trung thực hiện một số nội dung. Thứ nhất, về việc xác định ngành tuyển sinh. Đây là việc hết sức quan trọng, việc các khoa xác định được mã ngành chiến lược, qua đó đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tác động lớn tới hiệu quả chung của toàn trường. Ưu tiên, mở rộng các ngành là thế mạnh của trường và đáp ứng xu thế, nhu cầu của xã hội. Thứ hai, cần bám sát và cập nhật những chỉ đạo và thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề xuất và bổ sung, thay đổi các phương thức tuyển sinh linh hoạt, mềm dẻo, hợp lý. Thực tế qua các năm, khối lượng học sinh THPT lựa chọn tổ hợp môn thi khối xã hội để tốt nghiệp chiếm tới 70%, do đó, khi quyết định tổ hợp xét tuyển, cần tính đến yếu tố thực tiễn này. Thứ 3, bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh, trường cũng cần nâng cao chất lượng đầu vào tuyển sinh, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và đầu ra. Thứ 4, cần tăng cường các hoạt động Đoàn, Hội. Thông qua tổ chức này với sự hoạt động của các câu lạc bộ đặc thù sẽ nâng cao nhận thức về hình ảnh Nhà trường cho học sinh, sinh viên, từ đó quảng bá và gắn kết tình yêu trường lớp cho học sinh, sinh viên và xã hội. Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng đó là công tác truyền thông tuyển sinh. Hoạt động truyền thông cần được tiến hành dài hạn, có kế hoạch và đầu tư phù hợp, đa dạng hoá các hình thức truyền thông để nâng cao hiệu quả tuyển sinh.   

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận và nhất trí một số nhóm giải pháp khác.

 Ngọc Hinh - Ngọc Vinh