Sinh viên Trung tâm liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các hoạt động ngoại khóa

Từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2018, Trung tâm Liên kết đào tạo, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức 3 chuyến tham quan, học tập thực tế cho sinh viên khối Đại học liên thông ĐLT2017 và khối Cao đẳng liên thông CLT2017 tới các điểm Khu di tích K9 - Đá Chông và Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo lịch trình, địa điểm đầu tiên trong chuyến tham quan là Khu di tích K9 - Đá Chông. Khu di tích này thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Tây, nằm cách thị xã Sơn Tây về phía khoảng 25 km, có diện tích khoảng 234 ha, phần lớn là đồi núi, rừng và hồ nước rộng. Năm 1957, Bác Hồ đã lựa chọn để xây dựng khu căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ. Khu di tích Đá Chông thường được gọi với tên gọi là K9, là địa điểm kín đáo, bao phủ bởi nhiều cây cối, sơn thủy hữu tình, có đầy đủ điều kiện để gìn giữ bí mật, thuận tiện cho hoạt động tăng gia sản xuất của bộ đội thời bấy giờ. Ngày nay, khu di tích Đá Chông trở thành di tích có giá trị lớn về lịch sử - văn hóa, nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ người dân Việt Nam. Đến thăm khu di tích Đá Chông, từng hình ảnh đều gắn liền với hình bóng của Bác Hồ, từ ngôi nhà 2 tầng được thiết kế phỏng theo nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch đến nhà công vụ hay vườn cây rộng, khu nhà khách, sân bay trực thăng… Tại đây, sinh viên đã thăm phòng ở, phòng làm việc của Bác và Bộ Chính trị, thăm nơi bảo quản, gìn giữ thi hài của Người từ năm 1969 - 1975. Qua hoạt động ý nghĩa này, sinh viên biết thêm về một giai đoạn lịch sử; thấu hiểu và trân trọng những đóng góp lớn lao của Bác, Đảng, Chính phủ và nhiều tầng lớp nhân dân một thời gian khó và kiên cường.

Tiếp theo trong chuyến hành trình, đoàn đã tới thăm Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là một quần thể gồm nhiều khu: Khu các làng dân tộc; Khu Di sản văn hóa thế giới mô phỏng, thu nhỏ các công trình kiến trúc đặc sắc như Vạn Lý Trường Thành, tháp Effen, Kim tự tháp…; Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí; Khu công viên bến thuyền; Khu dịch vụ, du lịch tổng hợp; Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô; Khu Quản lý điều hành văn phòng...

Với diện tích gần 200 ha, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam là một thực thể sống động, tái hiện các cấu trúc làng, bản với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và thế giới. Tại đây, ngoài việc quan sát các mô hình, sinh viên còn được trực tiếp hòa mình vào những nét văn hóa truyền thống các các dân tộc, cùng ca hát và nhảy múa với vũ điệu cồng chiêng của người Ê đê, Tây Nguyên; cùng tham gia vào lễ hội Đâm Đuống của người Mường; cùng người Mông tham gia lễ hội kèn môi…

Đoàn hoạt động ngoại khóa nghiêm túc, trật tự tham quan khu di tích

Các chuyến tham quan đã được tổ chức chu đáo, nghiêm túc, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho mỗi sinh viên. Thông qua các hoạt động tham quan, học tập ngoại khóa này, sinh viên không chỉ được giao lưu, học hỏi, bổ sung các kiến thức thực tế về lịch sử, văn hóa dân tộc; mà còn thêm trân trọng, yêu quý truyền thống. Hoạt động ngoại khóa cho sinh viên của Trung tâm liên kết đào tạo đã góp phần thực hiện tốt các yêu cầu về nội dung chương trình, chất lượng đào tạo của nhà trường; gắn bó các hoạt động của đơn vị với các hoạt động chung của trường và kích thích sự sáng tạo, niềm đam mê học tập, cống hiến của sinh viên.

 

 



Tin khác