Hội thảo “Chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo đại học ngành công nghệ thông tin định hướng nghề nghiệp ứng dụng”

Nằm trong chương trình triển khai đào tạo theo định hướng POHE của trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ngày 17-1-2019, khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) đã tổ chức thành công Hội thảo “Chuẩn đầu ra và chương trình  đào tạo đại học ngành CNTT định hướng nghề nghiệp ứng dụng”. Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Về phía nhà trường có GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng cùng các giảng viên, cựu sinh viên trong khoa.

 

ThS. Hoàng Thị Mai, Phó trưởng khoa CNTT

Mở đầu hội thảo, ThS. Hoàng Thị Mai, Phó Trưởng khoa thay mặt tổ soạn thảo trình bày những nội dung chủ yếu trong điều chỉnh chương trình CNTT. Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) là hình thức đào tạo đại học tập trung vào cung cấp năng lực thực tiễn cho người học, lấy vị trí việc làm và các yêu cầu năng lực thực tiễn làm xuất phát điểm để xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo. Chuẩn đầu ra trong chương trình ngành CNTT của khoa gồm chuẩn phẩm chất và nhóm năng lực chung (ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc cá nhân và tập thể); nhóm năng lực chuyên ngành gồm năng lực xây dựng và quản trị hệ thống CNTT và truyền thông, năng lực phát triển  phần mềm và năng lực nghiên cứu. Hội thảo rất mong ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, sinh viên, cựu sinh viên và các giảng viên để chương trình thêm hoàn thiện, bám sát yêu cầu thực tế hơn về nhu cầu thị trường lao động ngành IT hiện nay.

Tham dự hội thảo, GS.TS. Đặng Văn Soa đã khẳng định đây là một nội dung mà trường chú trọng quan tâm, trường cũng mong muốn khoa CNTT bổ sung thêm nội dung về Hà Nội học mang tính đặc trưng của trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng như nâng cao chuẩn năng lực quốc tế để sinh viên có thể tự tin, tương tác trong môi trường quốc tế.

 

PGS.TS. Nguyễn Long Giang, Trưởng phòng Tin học quản lý - Viện Công nghệ Thông tin nhận xét chương trình đào tạo đại học CNTT của khoa đã bao trùm khá đầy đủ các lĩnh vực CNTT; bên cạnh một số học phần mang tính hiện đại đã có, khoa nên bổ sung thêm một số học phần về IoT, BigData, các hệ thống nhúng, Machine Learning… vào các học phần tự chọn cho sinh viên.

 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Đức, giảng viên cao cấp trường Đại học Thủy lợi cho rằng để đảm bảo tính quốc tế hóa của chương trình, cần tăng cường thời lượng học phần ngoại ngữ, một số môn có thể tích hợp lại theo khối năng lực chuyên ngành.

Đồng tình với các ý kiến chuyên gia, đại diện phía doanh nghiệp (công ty cổ phần truyền số liệu Việt Nam DCV, công ty cổ phần công nghệ ATO, công ty Multimex...) cũng cho rằng nên nhóm các môn theo định hướng nghề nghiệp, tăng cường việc làm đồ án trong kiểm tra đánh giá các học phần cũng như tăng cường năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên .

Hội thảo đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp đó là: Chương trình nên cấu trúc lại theo hướng các năng lực CNTT cụ thể theo chuyên ngành, nên gom các môn, giảm đầu môn và điều chỉnh tên môn đảm bảo tính mềm dẻo, linh hoạt, cập nhật các xu hướng hiện đại và tăng cường thời lượng tiếng Anh chuyên ngành, đảm bảo tính quốc tế hóa của chương trình. Việc hơn 95% sinh viên ngành CNTT có việc làm sau tốt nghiệp đã khẳng định hướng đi đúng của nhà trường và khoa khi tiếp tục cập nhật, sửa đổi chương trình theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, đảm bảo vì lợi ích người học cũng như sự phát triển không ngừng của khoa CNTT nói riêng và trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói chung hiện nay.

Trần Thị Thu Phương- Khoa CNTT



Tin khác