Hội thảo khoa học quốc gia: “65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội”

Sáng ngày 5 tháng 10 năm 2019, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội”. Dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; TS. Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Đào Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; PGS.TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; đại diện Đảng uỷ khối các trường Cao đẳng, Đại học Hà Nội; Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội; Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; lãnh đạo một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội; các đối tác của Nhà trường và các nhà khoa học trên cả nước. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có PGS.TS.NGƯT. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Nhà trường; các Phó Hiệu trưởng: GS.TS. Đặng Văn Soa, TS. Đỗ Hồng Cường cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Hội thảo khoa học quốc gia “65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội” được tổ chức có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi những kiến thức về học thuật và giới thiệu những thành tích về giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội đồng thời tuyên truyền, quảng bá, phát huy văn hoá, giá trị sống của người Hà Nội, nâng cao nhận thức và phát triển hành vi văn minh thanh lịch của người Hà Nội. Để làm được điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt 5 nội dung. Thứ nhất, Nhà trường cần xây dựng được chương trình thực chất và có chất lượng; tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy, lồng ghép chủ đề “Giá trị sống của người Hà Nội” vào trong chương trình đào tạo. Thứ hai, trong quá trình phát triển, cần chuẩn bị và thực hiện tốt quá trình tự chủ về mặt học thuật và tài chính. Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của một trường đại học; gắn nghiên cứu khoa học các tổ chức, đơn vị bên ngoài Nhà trường để hoạt động này trở nên thực tế và mang lại hiệu quả cao. Thứ 4, Nhà trường cần chú ý đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giảng dạy và học tập. Cuối cùng, mang tính chất quyết định cho sự phát triển của mỗi nhà trường chính là đội ngũ nhà giáo. Trường cần quan tâm đến chất lượng và chăm lo đời sống cho đội ngũ này, đây là nòng cốt và nền tảng tạo ra hiệu quả đào tạo, tạo nên “thương hiệu” cho mỗi nhà trường.

PGS.TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo quốc gia “65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội” được tổ chức trong không khí chung của cả nước, nhân dân Thành phố Hà Nội chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019) với những bước phát triển và thành tựu rất đáng tự hào về kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hoá, giáo dục. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được trên 100 bài tham luận của các tác giả là các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo từ nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục phổ thông trong và ngoài Thành phố Hà Nội. Ban tổ chức đã lựa chọn 59 tham luận để giới thiệu trong Kỷ yếu Hội thảo. Điều đáng chú ý là các tham luận đều khẳng định tính cấp thiết, sự hấp dẫn của vấn đề mà Hội thảo đặt ra. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng mong muốn các đại biểu về dự Hội thảo bàn luận và làm sâu sắc thêm các vấn đề: Những thành tựu và bài học kinh nghiệm về phát triển giáo dục Thủ đô Hà Nội; bức tranh toàn cảnh về thực trạng giá trị sống của người Hà Nội; giáo dục giá trị sống cho người Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Với tinh thần đó, Hiệu trưởng Bùi Văn Quân bày tỏ tin tưởng, Hội thảo sẽ mang lại cho xã hội những ý tưởng mới về phát triển giáo dục, về sự gia tăng vai trò của giáo dục trong giáo dục giá trị sống, trong thực tiễn phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thủ đô Hà Nội. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội may mắn được thụ hưởng trực tiếp những kết quả của Hội thảo này và đã xác định được kế hoạch hành động để phát triển bền vững kết quả của Hội thảo. Nhà trường đã xây dựng một chương trình nghiên cứu quy mô và toàn diện về giáo dục giá trị sống cho học sinh Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Thầy và trò Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ, ngành, Thành uỷ, UBND Thành phố Hà Nội, các sở ban, ngành, các cơ quan và nhà khoa học để chương trình nghiên cứu trên của Nhà trường được phê duyệt và triển khai.

GS. TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

 Nhà sử học Lê Văn Lan

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tham dự triển lãm, trưng bày sản phẩm tại khu vực sân ngoài trời của cơ sở 1 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Nội dung triển lãm được Ban tổ chức phân thành 2 khu vực. Khu vực thứ nhất là không gian trưng bày văn hoá với các poster có nội dung hình ảnh về danh lam, thắng cảnh, con người, các hoạt động thể hiện nhịp sống mang đặc thù văn hoá của người Hà Nội. Các tranh ảnh giới thiệu về những hành động đẹp, danh nhân văn hoá, các hoạt động tập thể mang giá trị tích cực cho xã hội. Trưng bày các tư liệu minh hoạ cho chủ đề “Người Hà Nội văn minh, lịch sự”. Khu vực thứ hai là không gian trưng bày giáo dục thể hiện quá trình 65 năm phát triển của ngành giáo dục Thủ đô và các thành tựu đạt được.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Ngọc Hinh - Phú Quang

 

 

 



Tin khác