Hội thảo: “Liên kết đào tạo giữa Nhà trường và Doanh nghiệp”

Ngày 19 tháng 4 năm 2019, khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Liên kết đào tạo giữa Nhà trường và Doanh nghiệp”. Dự Hội thảo, về phía khách mời có ông Trần Đức Hải, Giám đốc sở Du lịch Hà Nội; đại diện sở Văn hoá Thể thao Hà Nội; đại diện các công ty du lịch; Giám đốc Nhân sự các khách sạn 5 sao trên địa bàn Hà Nội cùng các chuyên gia về lĩnh vực du lịch. Về phía trường Đại học Thủ đô Hà Nội có GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hoá – Du lịch – Dịch vụ; đại diện một số đơn vị và cán bộ, giảng viên, sinh viên trong khoa.

 Bà An Thu Trà, Bảo tàng Dân tộc học

Tăng cường liên kết giữa Nhà trường – Nhà nước – Nhà tuyển dụng lao động là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực xuất phát từ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực theo cơ chế đặc thù, gắn đào tạo lý thuyết với đào tạo thực hành để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng Công nghiệp 4.0.

TS. Nguyễn Văn Lưu, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia

Theo ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo, cần tăng cường liên kết giữa Nhà trường – Nhà nước – Nhà tuyển dụng lao động là do tính phức hợp của nhu cầu phát triển nguồn nhân lực. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng với khả năng hội nhập quốc tế và xã hội hoá cao. Liên kết giữa các đơn vị nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao từ giáo dục hướng nghiệp đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học du lịch; từ việc bố trí và sử dụng đến bồi dưỡng nguồn nhân lực… Ở Việt Nam, việc liên kết “3 nhà” đã có từ thời kỳ bao cấp, học sinh, sinh viên ngành du lịch được phân công thực tập tại công ty, xí nghiệp, các khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch là doanh nghiệp quốc doanh; sau khi tốt nghiệp, họ được Nhà nước bố trí công tác. Sự liên kết “3 nhà” này cũng là vì lợi ích của mỗi bên và phù hợp với xu thế chung.

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc sở Du lịch Hà Nội

Để thực hiện việc liên kết, mỗi chủ thể cần thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Về phía các đơn vị Nhà nước, cần thiết kế và triển khai thực hiện những chiến lược, điều kiện chung cho liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp du lịch; hỗ trợ kỹ thuật và cấp kinh phí thông qua xây dựng khung chính sách về thuế, về phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ… và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp… tạo môi trường thuận lợi cho sự liên kết phát triển nguồn nhân lực.

Về phía đơn vị đào tạo và các nhà trường cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; đổi mới phương thức và chương trình đào tạo, dạy nghề, huấn luyện và bồi dưỡng cũng như các học liệu; nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp du lịch; tăng cường trao đổi thông tin trợ giúp người học…

Các nhà tuyển dụng, đơn vị sử dụng lao động du lịch hỗ trợ nhà trường cùng đào tạo nguồn nhân lực ngay từ khi còn trên ghế nhà trường và tiếp tục bồi dưỡng, trau dồi khi tiếp nhận và sử dụng lao động.

Tại hội thảo, đại diện phía doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch khẳng định luôn sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh nghiệm để sinh viên đến thực tế, thực tập; kết nối với khoa Văn hoá - Du lịch – Dịch vụ trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong việc  đào tạo nghề cho sinh viên và nhận những sinh viên vào làm việc nếu sinh viên có thái độ học tập nghiêm túc. Cũng theo các nhà tuyển dụng, chương trình đào tạo của Nhà trường nên theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; bao gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo. Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu (lĩnh vực du lịch theo vùng miền, loại hình du lịch..). Tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để sinh viên khi ra trường thích ứng và làm được việc luôn, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại. Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, đây là vấn đề rất quan trọng với sinh viên các ngành nói chung và sinh viên ngành du lịch nói riêng.

GS. TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường 

Thay mặt cho lãnh đạo trường Đại học Thủ đô Hà Nội, GS. TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cảm ơn những tình cảm, kinh nghiệm mà các chuyên gia, các doanh nghiệp đã giúp đỡ khoa Văn hóa – Du lịch – Dịch vụ trong việc đào tạo sinh viên ngành du lịch. Đây là những kinh nghiệm quý báu để Nhà trường điều hành, quản lý và có hướng đi phù hợp. GS. Soa cũng cho biết, trường Đại học Thủ đô Hà Nội từ một trường đào tạo chuyên ngành sư phạm đã và đang dịch chuyển công tác đào tạo theo hướng đa ngành, mang tính ứng dụng, chuyển từ “văn hoá dịch vụ” sang “văn hoá cung ứng dịch vụ”, đáp ứng nhu cầu người học và xã hội. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các đơn vị quản lý và sử dụng lao động để nâng cao chất lượng đào tạo và mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên ngành du lịch cũng như sinh viên các ngành khác trong trường.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

 



Tin khác