Chi hội Sử học và câu lạc bộ Sử học trường Đại học Thủ đô Hà Nội về "Miền cội nguồn dân tộc"

Ngày 6 tháng 10 năm 2018, Chi hội Sử học và Câu lạc bộ Sử học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội do PGS.TS. Phạm Quốc Sử - Trưởng Khoa KHXH, Chi hội trưởng Chi hội Sử học làm trưởng đoàn, đã thực hiện chuyến đi nghiên cứu thực tế về “miền cội nguồn dân tộc” tại tỉnh Phú Thọ.

Phú Thọ - miền đất Tổ, nơi lưu giữ nhiều dấu tích của buổi bình minh lịch sử dân tộc Việt, với nền Văn hóa khảo cổ Sơn Vi (đồ đá cũ), Gò Mun, Phùng Nguyên (đồ đồng), di chỉ khảo cổ học Làng Cả, được cho là dấu tích của nơi đóng đô của nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng. Với vị thế địa – chính trị - văn hóa đó, Phú Thọ lưu giữ nhiều di sản vô giá, trong đó UNESCO đã công nhận Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2011) và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012).

Chi hội sử học và Câu lạc bộ sử học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong buổi làm việc với Bảo tàng Hùng Vương tại Khu di tích Đền Hùng

 Chuyến đi nhằm mở rộng kiến thức chuyên môn lịch sử về thời đại Hùng Vương dựng nước cho cán bộ giảng viên và sinh viên câu lạc bộ Sử học, rèn luyện cho sinh viên năng lực vận dụng lí thuyết, thực hành phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử; khảo sát qua thực tiễn; tăng cường rèn luyện các kỹ năng mềm, kỷ luật tập thể, kĩ năng viết báo cáo, cách thức tổ chức hoạt động ngoại khoá lịch sử.

Coi trọng công tác chuyên môn, Chi hội Sử học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có cuộc gặp gỡ trao đổi về lịch sử, văn hóa thời kì Hùng Vương với một số nhà chuyên môn trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, lịch sử, văn hóa – du lịch, bảo tồn, bảo tàng của tỉnh Phú Thọ. Về phía Đại học Hùng Vương có TS. Hà Thị Lịch, Phó Chánh Văn phòng, TS. Trần Văn Hùng, Phó Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Du lịch, Ths. Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Bộ môn Văn hóa – Du lịch, Khoa KHXH. Về phía Khu Di tích Đền Hùng có Ths. Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó phòng Quản lí di tích và Bảo tàng, Khu di tích Đền Hùng. Phía Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì, có TS. Nguyễn Mai Thoa, Phó Giám đốc Bảo tàng. Chuyến đi còn là cơ hội giao lưu, tiếp xúc giữa sinh viên câu lạc bộ Sử học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và sinh viên khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.

 

   

  Ảnh trái: PGS.TS. Phạm Quốc Sử đại diện đoàn dâng hương tại Lăng Vua Hùng

Ảnh phải: Sinh viên Câu lạc bộ Sử học dâng hương tại Đền Thượng 

Thực hiện chuyến đi về miền đất cội nguồn dân tộc, cán bộ giảng viên thuộc Chi hội hội sử học và sinh viên Câu lạc bộ Sử học đã đắm mình trong không gian cổ kính của khu đền, chùa, lăng miếu trên núi Hùng (Hy Cương), trải nghiệm khoảnh khắc thiêng liêng thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại đền Thượng và Lăng vua Hùng, đặc biệt là được hòa mình vào những làn điệu Xoan cổ tại đình Hùng Lô.

 

Đoàn đã thưởng thức trình diễn Hát Xoan (Hát Cửa đình) tại đình Hùng Lô

  

 Chi hội sử học, Câu lạc bộ Sử học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên Trường Đại học Hùng Vương và các nghệ nhân phường Xoan tại đình làng Hùng Lô

 

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô (áo đen) và Trường Đại học Hùng Vương (áo trắng) chụp ảnh lưu niệm trong buổi giao lưu 

 

            Sinh viên Câu lạc bộ Sử học Trường Đại học Thủ đô quan sát hiện vật khảo cổ tại Bảo tàng Hùng Vương

Chuyến đi nghiên cứu thực tế của Chi hội Sử học và Câu lạc bộ Sử học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Thành công của chuyến đi này đã mở ra sự hợp tác trong nghiên cứu, giảng dạy và lưu truyền, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa của hai vùng đất giàu truyền thống, giữa giảng viên, sinh viên của khoa Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với Khoa Khoa học Xã hội và Du lịch, Trường Đại học Hùng Vương nói riêng, cũng như với các trường đại học địa phương khác trên cả nước nói chung.

 

Trần Vân Anh