Thông tin chung khoa Công nghệ thông tin

1. Thông tin liên hệ

– Địa chỉ liên hệ: nhà A5 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, 98 Dương Quảng Hàm – Cầu Giấy – Hà Nội

– Điện thoại: 024. 3833.6075

– Email: cntt@daihocthudo.edu.vn

– Phó Trưởng khoa phụ trách: Thạc sĩ Hoàng Thị Mai

2. Thời gian thành lập

Khoa Công nghệ Thông tin, tiền thân là tổ Tin học trực thuộc Ban Giám hiệu, được thành lập từ năm 1990 với chức năng là tổ nghiệp vụ hỗ trợ Nhà trường ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lí, đồng thời phụ trách đào tạo nội dung CNTT cho các ngành sư phạm Toán Tin, Lí Tin. Năm 2001, Nhà trường tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Công nghệ Thông tin và giao cho tổ Tin học quản lí, đây là tiền đề cho việc thành lập Khoa. Ngày 13/10/2003, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã kí quyết định số 6071/QĐ-UBND thành lập khoa Công nghệ Thông tin của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

3. Quá trình phát triển

Giai đoạn 1990 – 2000

Ngay từ khi hoạt động trong khuôn khổ một tổ chuyên môn trực thuộc của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, khoa CNTT đã hỗ trợ một số công tác nghiệp vụ bằng các phần mềm ứng dụng, đặc biệt là trong công tác đào tạo và tài chính. Quản lí tổ Tin học trong giai đoạn này là nhà giáo Hà Đặng Cao Tùng. Thành tích nổi bật trong giai đoạn này của tổ Tin học là xử lí thông tin trên máy tính trong kì thi tuyển sinh hàng năm của trường, đảm bảo tính chính xác và an toàn dữ liệu rất cao. Khoa còn giúp đỡ cho nhiều trường Cao đẳng Sư phạm phía Bắc như Thanh Hoá (nay là Đại học Hồng Đức), CĐSP Hà Tây, CĐSP Hải Hưng (nay là CĐSP Hải Dương), CĐSP Vĩnh Phúc, CĐSP Nghệ An… trong công tác tuyển sinh và giành được sự tín nhiệm cao của các trường bạn.

Giai đoạn 2001 – 2010

Tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2001, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội là trường đầu tiên đào tạo ngành Công nghệ Thông tin trong hệ thống các trường sư phạm. Đến nay, khoa đã có 18 khóa sinh viên được đào tạo, trong đó 15 khóa đã ra trường. Tháng 10/2003, Khoa Công nghệ Thông tin được thành lập, nhà giáo Hà Đặng Cao Tùng được cử làm Quyền trưởng khoa; hai tổ chuyên môn là Hệ thống thông tin (do nhà giáo Nguyễn Văn Vệ làm Tổ trưởng) và Kĩ thuật máy tính (do nhà giáo Trần Hoàn làm Tổ trưởng). Từ năm 2005, Ban Chủ nhiệm khoa gồm nhà giáo Hà Đặng Cao Tùng (Trưởng khoa đến năm 2016), nhà giáo Trần Hoàn (Phó trưởng khoa đến năm 2016); hai Tổ chuyên môn gồm tổ Hệ thống thông tin, Tổ trưởng là nhà giáo Nguyễn Văn Vệ (2005 – 2014) và nhà giáo Trương Đức Phương (2015 – 2016); tổ Kĩ thuật máy tính, Tổ trưởng là nhà giáo Vũ Hồng Hà (2005 – 2009) và nhà giáo Hoàng Thị Mai (2009 – 2016). Điểm nổi bật của giai đoạn này là sự tham gia của Khoa vào việc “Đưa mô hình Học tích cực vào thực tế giáo dục Việt Nam” – như lời nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Vọng đánh giá. Khoa Công nghệ Thông tin của trường là đơn vị chủ trì dự án PDL (Proffessional Development Laboratory) thuộc chương trình Tái sáng tạo giáo dục (Reinventing Education) do công ty IBM tài trợ. Khoa cũng đóng vai trò nòng cốt trong dự án Partners In Learning (thuộc chương trình Peer Coaching) và dự án triển khai công nghệ đa điểm, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ đa chuột (MightyMice) của công ty Microsoft. Các dự án này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng Công nghệ Thông tin trong các trường học trên địa bàn cả nước.

Giai đoạn từ 2011– nay

Từ năm 2011, được thúc đẩy bởi chủ trương hỗ trợ nghiên cứu của nhà trường, khoa thực hiện các seminar khoa học thường xuyên hàng tuần. Kết quả của hoạt động này là các công bố khoa học tăng lên hàng năm. Ngoài các nghiên cứu cơ bản, hiện nay, các seminar thường xuyên của khoa tiếp tục được triển khai nhằm xây dựng các ứng dụng quản lí trực tuyến và sản xuất các thiết bị dân dụng tự động hóa, cập nhật công nghệ mới trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo tiến trình phát triển đại học, khoa Công nghệ Thông tin hiện nay đã đào tạo chương trình hệ đại học theo hướng tiếp cận thị trường lao động công nghệ tiên tiến. Chương trình đào tạo được hiệu chỉnh để vừa đáp ứng mô hình ứng dụng nghề nghiệp POHE, vừa giúp sinh viên có khả năng tiếp tục nghiên cứu ở trình độ sau đại học sau khi tốt nghiệp. Lãnh đạo khoa giai đoạn này là nhà giáo Hoàng Thị Mai (Phó trưởng khoa phụ trách) và nhà giáo Trương Đức Phương (Phó trưởng khoa). Hai Tổ bộ môn là Hệ thống thông tin (Trưởng bộ môn là nhà giáo Nguyễn Minh Huy) và bộ môn Truyền thông và Mạng máy tính (Trưởng bộ môn do nhà giáo Hoàng Thị Mai kiêm nhiệm).

4. Chức năng, nhiệm vụ

Tư vấn cho lãnh đạo trường về các vấn đề liên quan đến CNTT và truyền thông; tham gia các chương trình, đề tài, dự án về hạ tầng kĩ thuật thông tin; thiết kế, triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ đào tạo, nghiên cứu… Đào tạo sinh viên hệ cao đẳng, đại học các ngành Công nghệ Thông tin, Sư phạm Tin học…; tham gia các chương trình bồi dưỡng giáo viên, các dự án bồi dưỡng Tin học và dự án CNTT khác theo sự phân công của nhà trường.

5. Thành tựu nổi bật và định hướng phát triển

Thành tựu nổi bật Trong lĩnh vực đào tạo, khóa CNTT trình độ cao đẳng đầu tiên được tuyển sinh năm 2001. Ngành CNTT trình độ đại học bắt đầu tuyển sinh năm học 2017 – 2018. Trong lĩnh vực bồi dưỡng giáo viên, khoa Công nghệ Thông tin đã chủ trì nhiều dự án của Bộ GD&ĐT như dự án Phòng phát triển nghiệp vụ giáo viên (PDL – Professional Development Laboratory), dự án Xây dựng phần mềm quản lí ngân hàng câu hỏi (trong khuôn khổ dự án SMOET được tài trợ bởi cộng đồng châu Âu). Khoa Công nghệ Thông tin là một đơn vị hiếm hoi trong các đơn vị thuộc bậc học này được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển và Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng xuống chỉ đạo trực tiếp và đánh giá là đơn vị đi đầu trong việc đưa mô hình dạy học tích cực vào thực tế giáo dục Việt Nam. Trong giai đoạn những năm 2000 – 2010, hai hệ thống phần mềm của Khoa đã được đưa vào sử dụng là Hệ thống phần mềm thi trực tuyến cuộc thi “Chủ nhân tương lai – Hành trình thế kỷ” của Cung Thiếu nhi Hà Nội, phần mềm hỗ trợ đánh giá ItemBank cho dự án Tài trợ giáo dục cho Việt Nam của Cộng đồng châu Âu. Định hướng phát triển Định hướng phát triển của khoa là coi trọng tính hiệu quả dựa trên sự kết hợp hữu cơ giữa công tác đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng. Mặc dù ở mỗi giai đoạn, sự phát triển của khoa được ghi nhận, nổi bật ở trong lĩnh vực khác nhau; nhưng sự quan tâm phát triển hài hòa cả ba lĩnh vực đó là cơ sở tạo nên sự phát triển ổn định, cân bằng của đơn vị trong môi trường có nhiều thay đổi.